Trang

6 thg 7, 2012

Những điều làm Việt Nam đi xuống


Nếu tham nhũng là vấn nạn thì có một vấn đề cũng làm cho mỗi chúng ta nhức nhối không kém, đó là mặt trái của văn hóa mặc dù những thành tựu về văn hóa, của ngành văn hóa thật đáng kể với hệ thống thiết chế văn hóa được thiết lập khắp cả nước. Những hoạt động phản văn hóa diễn ra nghiêm trọng hàng ngày ở tất cả các cấp mà không chỉ một bộ phận cán bộ viên chức và nhân dân có phần trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực.
Ảnh minh hoạ
Về văn hóa giao thông, ngoài việc vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí có trường hợp tài xế gây tai nạn cố tình quay xe lại cán cho nạn nhân chết hẳn để bồi thường ít hơn, thay vì phải nuôi dưỡng người bị thương tật suốt đời rất tốn kém. Về văn hóa giải trí, trong trình diễn, biểu diễn, diễn xuất thể hiện cách ăn mặc hở hang, gợi dục, lời ca tiếng nói thô lỗ, tục tĩu, phản cảm, xa lạ với bản sắc dân tộc, gây độc hại cho con em chúng ta. Về văn hóa lối sống, việc ăn nhậu be bét gây ra tai nạn chết người, đánh đập vợ cơn, bạn bè tàn nhẫn. Về văn hóa kinh doanh, hơn 50.000 doanh nghiệp vật lộn để sinh tồn đã phải ngưng hoạt động, kéo theo hàng trăm ngàn người thất nghiệp nhưng vẫn bị một số ban ngành đòi hối lộ. Về văn hóa ứng xử trong bệnh viện, diễn ra đủ kiểu gợi ý bệnh nhân phải lo lót. Về văn hóa học đường, xảy ra biết bao trường hợp học sinh đánh nhau kể cả đánh thầy, gây ra án mạng, giáo viên nhục mạ học sinh. Về văn hóa pháp luật, trong 50.000 văn bản phát luật có đến 5000 văn bản trái luật làm cho người dân điêu đứng, khổ sở trăm bề. Còn biết bao trường hợp tương tự khác không sao kể xiết. Hầu hết các sự kiện trên nói chung diễn ra ở khu dân cư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: văn hóa ở nước ta đang xuống cấp.

Những con số sau đây cũng không khỏi làm chúng ta đau lòng: 70% cán bộ viên chức làm việc không hiệu quả (theo công bố của Bộ Nội vụ), 70% y, bác sỹ không y đức, 70% giáo viên không có đủ đạo đức nghề nghiệp (do báo chí đăng tải). Và tất cả những người này đều sinh sống ở khu dân cư. Những suy thoái về văn hóa nói trên chắc chắn là do ta chưa nhận thức được đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và đời sống mới. Người nói: "Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm trí quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa làm thế nào cho quốc dân ta có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”. Tác phẩm "Đời sống mới” mà Người viết năm 1947 (sau Cách mạng Tháng 8 thành công) là nhằm xóa bỏ những tàn dư của xã hội cũ, giáo dục nhân dân ta tư tưởng cần, kiệm, liêm chính, trước hết là tinh thần yêu nước, yêu dân, và thực hiện tốt việc ăn mặc, ở, đi lại. Làm thế nào để nâng cao đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới.

Đã đến lúc, đối chiếu tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành văn hóa cần nghiêm túc đánh giá thực trạng tình hình văn hóa, xem xét trách nhiệm của mình trong vai trò quản lý nhà nước trong ngành mình và đối với các ban ngành có liên quan đến mặt trận văn hoá như học đường, bệnh viện, giao thông. Cần hết sức tránh lẫn lộn giữa chức năng quản lý văn hóa của ngành với chức năng vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để không bao biện làm thay, không giẫm đạp lên chức năng, nhiệm vụ của nhau. Cần xem lại việc trương bản "Phường văn hóa”, "Khu phố văn hóa” có thực tế hay không? Vì chung quanh là vô số sự kiện phản văn hóa diễn ra hàng ngày ở khu dân cư gây bất bình cho người dân. Cần hết sức đề phòng bệnh thành tích, bệnh hình thức. Đối với Bác Hồ, văn hóa là thiêng liêng. Trong những năm kháng chiến, Người kêu gọi "Văn hóa hóa kháng chiến”, tức là nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa lạc quan cách mạng, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Nhờ vậy mà nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Mỹ và Pháp.

Đã đến lúc, đối chiếu với chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "đời sống mới”, nên chăng MTTQ đổi tên phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” với 6 nội dung của Đề án số 01/DA-MTTQ-BTT ngày 6-9-2011 của UBTW MTTQ Việt Nam đã được sự đồng tình, nhất trí của Thủ tướng Chính phủ, vì thực tế hoạt động của MTTQ ở khu dân cư không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà cả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao nhân dân, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo…Văn hóa và đời sống mới là vấn đề hệ trọng đối với mọi người cần đưa ra Quốc hội thảo luận.

Chúng ta nên khiêm tốn học tập kinh nghiệm của Nhật, Singapore. Họ không có khẩu hiệu, không trương bảng như nước ta nhưng họ triệt để thực thi pháp luật trên các lĩnh vực trong đó có văn hóa, người dân thể hiện khá tốt nếp sống văn minh, lịch sự. Nước họ thật xanh, sạch, đẹp, ít tai nạn giao thông nhất thế giới. "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…Xây dựng con người giàu lòng yêu nước, có ý thức là chủ, trách nhiệm công dân, sống có văn hóa, nghĩa tình”- đây là nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng mà các ban ngành, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân cần ra sức thực hiện theo chức năng của mình. Nhưng xây dựng con người có văn hóa, nhất là văn hóa liêm chính còn là thách thức đối với mỗi chúng ta.

Luật sư Nguyễn Hữu Châu

1 nhận xét:

  1. Văn hóa con người mới XHCN đã gieo trồng và phát triển trong 58 năm ở miền Bắc ,37 năm ở miền Nam đã cho kết quả như vậy đấy.Gieo nhân nào gặp quả nấy.

    Trả lờiXóa