Trang

17 thg 7, 2012

Phía sau những con số gây... "sốc"


Cần thấy rằng, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước (nhất là tại chính quyền cấp xã), việc "tuyển dụng" cán bộ chủ yếu thông qua "văn bản miệng" và theo kiểu... "xóa đói giảm nghèo".

Trong những ngày vừa qua, báo giới đã tốn không ít giấy mực để "bàn luận" về vấn đề "xã có 500 cán bộ". Đã có những ý kiến không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau của dư luận về cái gọi là "con số đẹp" này.

"Văn bản miệng" và... "xóa đói giảm nghèo"

Và việc gì đến sẽ đến, đúng như "tiên liệu" của dư luận. Sẽ có người (có quyền hạn và trách nhiệm) sẽ đưa ra những "con số" khác mà cụ thể là "giảm tải" con số 500 thành... 254 (thậm chí giảm xuống còn khoảng 200).

Nhưng, bình tĩnh xem xét chúng ta thấy rằng, vấn đề không phải là những con số "nhảy múa" kia và chính là những gì phía sau những con số đó.

Một xã có 500 cán bộ nhiều hay ít? Nói nhiều thì nhiều nhưng nói không nhiều cũng là không nhiều!

Nói khác đi, "500" không phải là... vấn đề, mà vấn đề là số lượng "cán bộ" đó đã được "tuyển dụng" theo đúng qui trình thủ tục hay không. Điều quan trọng hơn, họ đã hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao?

Tại sao chính quyền xã có đội ngũ cán bộ "hùng hậu" vậy và tồn tại bao nhiêu năm nay, mà dường như không ai nghe thấy, để đến khi báo chí nêu lên thì một số người có trách nhiệm mới ngỡ ra và thốt lên rằng "thế a?", "thế à?"...
Ảnh minh hoạ

Giải thích những thắc mắc này, cần thấy rằng, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước (nhất là tại chính quyền cấp xã), việc "tuyển dụng" cán bộ chủ yếu thông qua "văn bản miệng" và theo kiểu... "xóa đói giảm nghèo".

Theo quan sát của chúng tôi, những đối tượng được "tuyển chọn" vào đội ngũ cán bộ xã (hoặc cán bộ dự nguồn) cần có 2 điều kiện: Một là thân quen với lãnh đạo xã (nói trắng ra là con ông cháu cha), 2 là... thi rớt đại học.

Đây cũng là 1 trong những lí do khiến cho bộ máy cán bộ cấp xã ở nhiều địa phương hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng, trì trệ, thiếu tính đột phá, tính khoa học, kỉ cương...

Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều con em ở địa phương sau khi tốt nghiệp đại học nhưng không thể xin vào làm "cán bộ xã" hoặc ngược lại, không muốn làm cán bộ xã.

Vì nếu có lỡ làm cán bộ xã có năng lực thì cũng "không có đất để dụng võ". Đây mới chính là điều mà chúng ta cần phải quan tâm suy nghĩ, nhất là trong lĩnh vực cải cách lĩnh vực hành chính... cấp xã.

Những "cánh tay nối dài"

Không phải ngẫu nhiên mà Bí thư Huyện ủy Quảng Xương, ông Nguyễn Đức Xuân, xin "đính chính" lại con số 500 xuống còn 254. Có thể ông Bí thư Huyện ủy căn cứ vào những tiêu chí nào đó để... loại trừ gần phân nửa số "cán bộ" hiện hữu để khẳng định một con số mới là 254.

Nhưng theo chúng tôi, đây cũng không phải là mấu chốt của vấn đề.

Liệu ai dám nói rằng một xã có 254 là ít (hay là đủ)? Chúng ta cũng hiểu rằng, đội ngũ cán bộ thôn/ ấp/ khu phố là "cánh tay nối dài" của chính quyền cấp xã nhưng chỉ có 40 cán bộ xã mà số lượng "tay nối dài" đến 214 thì quả là điều cần phải xem lại.

Hơn thế nữa, thực tế cho thấy, nhiều việc (vấn đề), đáng lẽ ra cán bộ xã phải là người trực tiếp đứng ra triển khai giải quyết. Nhưng luôn giao phó cho những ..."cánh tay nối dài" ấy, nên họ có thể cứ ung dung ngồi tại công sở điều khiển.

Khiến công việc vừa triển khai chậm tiến độ, vừa đi chệnh với mục tiêu ban đầu (vì trình độ, năng lực, nhận thức của cán bộ thôn/ ấp/ khu phố có hạn).

Đó là chưa nói đến chuyện cán bộ thôn lợi dụng "chức vụ, quyền hạn" để trục lợi, bóp méo những chính sách đúng đắn và nhân văn của Nhà nước mà cán bộ xã không hề hay biết.

Cụ thể, điều tra ở nhiều địa phương chúng tôi phát hiện, nhiều cán bộ thôn đã tự nâng "khống" số tuổi (hoặc những người đủ tuổi mà không được đưa vào danh sách) của đối tượng để được hưởng trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là người cao tuổi theo Nghị định 06/2011/NĐ-CP.

Nhiều cán bộ thôn còn tự ý "sàng lọc" danh sách những người được trợ cấp xóa đói giảm nghèo theo diện neo đơn, không nơi nương tựa để được thụ hưởng chính sách của Nhà nước mà chính quyền xã không hay biết (!)

Nói tóm lại, số lượng và chất lượng cán bộ cấp xã là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc, khoa học và khách quan.

Không thể phủ nhận vai trò của cán bộ cấp xã và "cánh tay nối dài" của cấp xã hiện tại. Nhưng điều quan trọng hơn, cần nhìn nhận tính hiệu quả trong hoạt động, chất lượng hoạt động của chính đội ngũ cán bộ này ra sao.

Nếu 500 cán bộ mà hoạt động hiệu quả, tích cực, trợ giúp đắc lực để nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc bình an cho cư dân thì không là vấn đề.

Ngược lại, nếu 254 cán bộ mà hoạt động èo ụt, tắc trách, tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả, hạch sách, nhũng nhiễu thậm chí cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thì con số 254 cũng là quá... thừa!

Nguồn: TuanVN

1 nhận xét:

  1. + Đã là cán bộ phải có quyền, có lợi, thì những thứ đó móc đâu ra ở cái Xã thì bé bằng mắt muỗi, với ngàn nhân khẩu, ngân sách cấp có hạn, thế là chỉ có dân phải còng lưng mà cõng đám ăn hại này. Trong 500 đứa bỏ đi 490 đứa ; Với 10 đứa cán bộ mà hoạt động hiệu quả, tích cực và chất lượng là đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc bình an cho cư dân. Càng nhiều chúng nó càng nhũng nhiễu.

    Trả lờiXóa