Trang

27 thg 7, 2012

Hạt nhân Nhật đứng trước ngã ba lựa chọn


Khẩu hiệu của phong trào chống hạt nhân: "Nhật Bản phải trở thành quốc gia phi hạt nhân". Thủ tướng Noda cảnh báo: Nếu vậy, "đất nước và nền kinh tế sẽ hệ luỵ". Và nước Nhật đang đứng trước ngã ba của sự lựa chọn

Bản báo cáo thanh tra cuối cùng?

Kể từ sau khi sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra đã có nhiều bản báo cáo nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau liên quan đến thảm hoạ lịch sử này. Ngoài các báo cáo của bản thân Tập đoàn Năng lượng Tokyo (TEPCO), còn có các báo cáo của Chính phủ Nhật, của Cơ quan Pháp quy Công nghiệp và Hạt nhân (NISA), của Quốc Hội Nhật và cả của các tổ chức quốc tế như Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) v.v...

Và bản báo cáo mới nhất là của Đoàn các nhà điều tra do Chính phủ Nhật thành lập vừa công bố ngày Thứ Hai (23/7/2012).

Nhà máy Fukushima Daiichi đã hứng chịu thảm hoạ hạt nhân gây ra tiếp sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua. Báo cáo chỉ rõ: Đây là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần của Nhật Bản
Bản báo cáo nhấn mạnh những hậu quả nặng nề. Nhà máy điện hạt nhân này bị tê liệt, làm thoát phóng xạ ra ngoài, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và khiến hàng chục ngàn cư dân khu vực xung quanh phải di dời, tránh xa  nơi xảy ra tai nạn.

Bản báo cáo chứa đầy những lời chỉ trích mới mẻ và mạnh mẽ nhằm vào Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan có trọng trách vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima.

Theo bản báo cáo, các biện pháp được thực thi bởi TEPCO và NISA về chuẩn bị đối phó với các thiên tai là không đáp ứng đầy đủ.

Bản báo cáo thanh tra nói trên chưa hẳn là bản cuối cùng và lời chỉ trích trong đó cũng chắc gì không còn lập lại.

Mũi tên chỉ thẳng vào TEPCO

Các nhà quan sát gần như thống nhất cho rằng, bản báo cáo này mang tính chỉ trích nặng nề và trực diện nhất nhằm vào Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) về trách nhiệm yếu kém trong cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ Fukushima.

Báo cáo 480 trang của đoàn điều tra gồm 10 thành viên, dẫn đầu bởi Giáo sư Công nghệ của Trường Đại học Tokyo Yotaro Hatamura cho rằng, đến lúc này, tức hơn một năm sau khi thảm họa xảy ra, hình như TEPCO chưa đủ tích cực trong việc xem xét nguyên nhân của sự cố ở Nhà máy Fukushima để ngăn ngừa tái phát. Báo cáo còn cho rằng thảm hoạ đáng lẽ phải được tiên liệu và được ứng phó sẵn sàng.

Đoàn điều tra còn vạch ra, ngay trong báo cáo nội bộ của của bản thân TEPCO vào Tháng Năm đã viết: không ai có thể dự đoán quy mô của trận động đất hoặc sóng thần tàn phá sau đó. Tuy nhiên, họ phải thừa nhận đã không chuẩn bị đầy đủ và đành ghi nhận những lời chỉ trích vì đã ém nhẹm thông tin quá lâu.

Kết luận của Đoàn điều tra chính phủ nói trên là sự tiếp nối những đánh giá trong bản báo cáo của Đoàn nghiên cứu của Hạ viện hồi đầu tháng chỉ trích cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima là một "thảm họa do con người", và nhấn mạnh đó là kết quả của và sự thông đồng giữa TEPCO, Cơ quan pháp quy hạt nhân và Chính phủ.

Bản báo cáo cũng nói thẳng: sự can thiệp của Thủ tướng hồi đó, ông Naoto Kan, đã gây ra sự chồng chéo trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Cần lưu ý thêm rằng, trong những ngày mới đây, dư luận rất chú ý đến một thông tin về ý đồ che giấu sự thật về tình trạng xảy ra trong nhà máy và tình trạng của các công nhân tham gia khắc phục sự cố.

Đó là thông tin tiết lộ rằng, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã và đang xem xét một báo cáo về việc các công nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima được lệnh dùng lá chì che chắn liều kế cá nhân nhằm giấu mức liều vượt quá mức an toàn!

ĐHN Nhật giữa ngã ba đường

Bản báo cáo lần này xuất hiện giữa lúc cuộc biểu tình chống hạt nhân tại Nhật Bản dâng cao. Cac quan điểm về chính sách hạt nhân trong nội bộ nước Nhật đang phân hoá sâu sắc.

Trước trọng trách đối với vận mệnh dân tộc và trách nhiệm đối với cuộc sống trăm triệu con người và sự phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đương nhiệm Nhật Bản đang tiến hành thu thập ý kiến toàn quốc về ba phương án cho chương trình phát triển năng lượng của giai đoạn trung hạn từ nay đến năm 2030.

Ba phương án này như sau: 1/ Giảm năng lượng hạt nhân quốc gia xuống con số "không" càng sớm càng tốt. 2/ Duy trì sự đóng góp năng lượng hạt nhân ở mức 15% cho đến năm 2030. 3/ Duy trì sự đóng góp năng lượng hạt nhân ở mức mức cao hơn, từ 20 đến 25% trong thời gian như trên.

Dự kiến sẽ có một quyết định chung cuộc vào tháng tới. Cho dù phương án nào được tuyển chọn, nó cũng thấp hơn phương án năng lượng đã đưa ra năm 2010, theo đó sự đóng góp năng lượng hạt nhân sẽ đạt đến 50% nhu cầu quốc gia vào năm 2030.

Nhật Bản đang đứng trước tình hình nóng bỏng. Phong trào chống hạt nhân đưa ra quan điểm rõ ràng: Nhật Bản phải trở thành quốc gia "phi hạt nhân" và cả trăm ngàn người đang tập trung bên ngoài tư dinh của Thủ tướng vào Thứ Sáu hàng tuần với khẩu hiệu như vậy.

Thủ tướng Chính phủ Yoshihiko Noda lắng nghe tiếng nói đó, nhưng vẫn kiên định quan điểm của chính phủ Nhật rằng, không có điện hạt nhân thì "đất nước và nền kinh tế sẽ bị hệ luỵ".

Và theo lệnh của Thủ tướng, Nhà máy Điện Hạt nhân Oi đã cho tái khởi động hai lò phản ứng và hoà điện vào lưới quốc gia. Lò số 3 phát điện vào ngày 9/7/2012 và Lò số 3 mới vào ngày 25/7/2012.

Chính phủ Nhật có đưa ra những bước đi tiếp theo nào không theo xu hướng trên? Để theo dõi và tìm câu trả lời, thiết nghĩ nên nhớ lời nói của ông Yoshihiko Noda, tháng trước:"Xã hội Nhật Bản sẽ không thể hoạt động nếu có quyết định ngừng phát điện hạt nhân vĩnh viễn".

Nguồn: TuanVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét