Trang

23 thg 7, 2012

Phần chìm của Tập đoàn kinh tế Nhà nước


Vụ án tại Vinashin Vinalines là những dẫn chứng cụ thể về sai phạm tại Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư “ngoài lề” dẫn tới thiếu trọng tâm, trọng điểm, thua lỗ, nợ nần chồng chất cùng việc quản trị theo lối cũ đang đặt ra gánh nặng... 

Thực tiễn hoạt động của các TĐKTNN trong thời gian qua đã khẳng định thành công bước đầu trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và mục tiêu thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước của Chính phủ. Tuy nhiên, mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam còn mới mẻ, vì vậy các tập đoàn kinh tế cũng bộc lộ một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Đó là TĐKTNN được thành lập, liên kết bằng quyết định hành chính, một số tập đoàn là biến thể của mô hình tổng công ty cũ, nên chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là trở thành tập đoàn kinh tế mạnh. Quy mô và nguồn vốn quá nhỏ so với các tập đoàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới; tổ chức và hoạt động chưa có đổi mới nhiều so với tổng công ty Nhà nước trước đây, chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ cho mô hình tập đoàn kinh tế. Kết quả sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước, hiệu quả hoạt động chưa cao, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
Kiểm toán Nhà nước công bố, EVN lỗ 8.400 tỷ đồng về lợi nhuận trước thuế năm 2010.
Việc thực hiện huy động vốn, nguồn lực của các thành phần kinh tế khác vào sản xuất, kinh doanh thông qua cổ phần hóa, tiếp nhận doanh nghiệp thành viên, cùng các thành phần kinh tế khác thành lập các công ty cổ phần mới tạo ra cơ cấu đa sở hữu ở một số tập đoàn triển khai còn chậm dẫn tới hạn chế về thu hút thêm vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành và sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của tập đoàn kinh tế.

Một số tập đoàn có tỷ lệ nợ trên vốn còn quá cao, dẫn đến độ rủi ro lớn, khả năng thanh toán nợ thấp. Việc xử lý các tồn tại về tài chính còn chậm do nhiều nguyên nhân nhưng chưa được khắc phục. Không ít TĐKTNN chưa phát huy được vai trò chi phối trong lĩnh vực hoạt động. Các mô hình tổ chức quản lý mới triển khai còn chậm, ở một số tập đoàn vẫn duy trì biện pháp quản lý hành chính đối với các công ty con. Việc dự báo, giám sát, đánh giá đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của mô hình này.

Vốn chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi

Tại cuộc họp báo hôm 18/7, Kiểm toán Nhà nước công bố: tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn, đầu tư ngoài ngành dàn trải, chưa xây dựng kế hoạch tiền lương... là những sai sót tồn tại ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, quản lý và sử dụng nguồn vốn của 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được kiểm toán. Một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2009.

Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 8.400 tỷ đồng về lợi nhuận trước thuế năm 2010, tổng tài sản - nguồn vốn giảm gần 7.790 tỷ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 102 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán tại các DNNN đã điều chỉnh tổng tài sản - nguồn vốn giảm hơn 8.110 tỷ đồng, tổng doanh thu - thu nhập thuần giảm 240 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 7.116 tỷ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng 937,8 tỷ đồng.

Tổng nợ phải thu của 21 tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2010 là 56.656 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 9,7% và trên vốn chủ sở hữu là hơn 36%. Do chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn như Tập đoàn HUD, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp...

Quản lý nợ thiếu chặt chẽ nên để cán bộ chiếm dụng, tham ô tiền bán hàng như tại Công ty cổ phần Gạch ngói Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn). Thậm chí, có doanh nghiệp cho đơn vị khác và cá nhân vay vốn trong khi đang phải đi vay vốn để kinh doanh như Tổng Công ty Khoáng sản thuộc Tập đoàn TKV cho Công ty cổ phần Đá quý và vàng Hà Nội vay 3,4 tỷ đồng, Công ty Gạch ngói gốm Tiền Giang vay gần 15 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc xác định kiểm kê sản phẩm dở dang, nguyên nhiên vật liệu xuất dùng và tồn kho chưa chính xác, nhất là các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, xây dựng. Tình trạng hàng tồn kho dự trữ lớn, vượt nhu cầu, tài sản cố định đã đưa vào sử dụng nhưng lại chưa quyết toán, đặc biệt là do không nghiên cứu kỹ nhu cầu nên nhiều tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản cố định sau đầu tư không hiệu quả.

Quy mô vốn chủ sở hữu của 21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đạt gần 157.000 tỷ đồng. Ngoại trừ Tổng Công ty Xây dựng đường thủy có lợi nhuận sau thuế năm 2010 bị lỗ 76.440 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 890.300 tỷ đồng, các đơn vị được kiểm toán còn lại cơ bản bảo toàn, phát triển được vốn nhà nước.

Tuy nhiên, 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu trên vốn chiếm dụng, vốn vay, trong đó một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao. Chẳng hạn Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn là hơn 9 lần, Tập đoàn HUD là hơn 4 lần, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng gần 4,8 lần... Điều này dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và các doanh nghiệp mà sản phẩm có giá trị lớn, thời gian sản xuất kéo dài.

Có doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất cân đối lớn về nguồn vốn. Năm 2009-2010, Công ty Điện lực Hải Phòng đã không cân đối được số tiền 300 tỷ đồng và đến hết năm 2010 là 191 tỷ đồng. Ngược lại, có doanh nghiệp thừa vốn nhưng không có phương án sử dụng để tái đầu tư mở rộng sản xuất, chủ yếu gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng, gây lãng phí.

Trường hợp EVN, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ chế hạch toán giá thành điện của EVN chưa tính toán các khoản thu có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện. Ngoài ra, quy hoạch ngành thép, xi măng chưa phù hợp với quy hoạch ngành điện, điều này tạo nên thực trạng thiếu điện, phải mua bên ngoài và phát nguồn điện giá cao. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 21.765 tỷ đồng, trong đó, các khoản tăng thu hơn 3.207 tỷ đồng; giảm chi hơn 2.199 tỷ đồng. Tại 29 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và tổ chức tài chính, số thuế, phí và các khoản khác phải nộp tăng thêm sau kiểm toán là hơn 589,5 tỷ đồng.
Tình hình nợ đọng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (nguồn Bộ Tài chính).
Hay như Tập đoàn Dầu khí, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận sai phạm hơn 18 nghìn tỉ đồng. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, số tiền này bao gồm những nội dung cần xử lý về mặt tài chính, việc hoàn thành, bổ sung các thủ tục hành chính, các việc làm chưa đúng quy trình. Trong số này, có 15,6 nghìn tỉ đồng đầu tư của tập đoàn cho các dự án dầu khí ngoài nước. Khoản thứ hai gần 2.000 tỉ liên quan vốn cổ phần hóa các công ty con. Khoản nữa với 620 tỉ đồng liên quan ứng vốn cho một số tập đoàn địa phương, việc thất thoát ra sao phải làm rõ.

Bài học từ Vinashin, Vinalines

Việc kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất cùng các sai phạm về quản trị, tham ô, tham nhũng thể hiện điển hình ở hai vụ án Vinashin và Vinalines. Sau vụ nợ nần, thua lỗ lên tới con số kỷ lục của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) năm 2010, một bản sao tương tự lại thể hiện ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin thì Vinalines được chỉ định tham gia nhận một phần tài sản của Vinashin, với kỳ vọng Vinalines như một chiếc phao cứu sinh, sẽ tham gia vực dậy một Vinashin trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra ở Vinalines, nợ trên 36 ngàn tỷ đồng, riêng năm 2010 lỗ lên tới gần 1,3 ngàn tỷ đồng, thì vụ việc đã rất nghiêm trọng. Ở vụ án này, theo CQĐT, các bị can đã lợi dụng dự án mua tàu chở dầu cũ ở Công ty Vận tải Biển Đông thuộc Vinalines để tham ô tài sản bằng cách thông đồng, lập dự án, ký khống hợp đồng thanh toán, nâng khống hàng tỷ đồng để chiếm hưởng cá nhân.

Một trong những sai phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ở Vinashin trước đây, có việc tập đoàn này mua về những con tàu cũ không sử dụng; thì nay, Kết luận của Thanh tra Chính phủ ở Vinalines cho thấy, tổng công ty này cũng mua 17 con tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Đáng lưu ý là con tàu mang tên Lively Falcon, đã 30 tuổi, vẫn được Vinalines mua về và đăng ký treo cờ nước ngoài!

Sai phạm, thất thoát ở Vinashin có việc không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì ở Vinalines cũng chưa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty này duy trì thời điểm cao nhất có 149 chiếc tàu, thời điểm ít nhất có 100 chiếc tàu, nhưng lại phân bố dàn trải, phân tán, manh mún ở 18 đơn vị khai thác. Đội tàu hoạt động chủ yếu để cho thuê định hạn làm lệch hướng phát triển thị trường vận tải biển phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Giai đoạn từ 2007 - 2010, Vinalines đã đầu tư 14 dự án xây cảng thì hầu hết xảy ra vi phạm. Trong khi Chính phủ chỉ cho phép chi phí tối đa cho tổ chức lễ khởi công dự án là 50 triệu đồng, thì Vinalines lại lãng phí chi gấp 80 lần, với số tiền hơn 4 tỷ đồng... Tính đến ngày 30/4/2010, tổng số tiền lãng phí từ những vụ được xác định có dấu hiệu làm trái là hơn 489 tỷ đồng.

Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét