Trang

20 thg 3, 2013

TT Nguyễn Tấn Dũng: Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống

Ngày 19-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ, trò chuyện với đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng và khẳng định việc Việt Nam luôn chuẩn bị để "bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện cùng đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng


Gần 20 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại Hải Phòng gửi đến Thủ tướng những tâm tư nguyện vọng về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh đất nước và những ý kiến liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao và biết ơn sự đóng góp, hi sinh của các tướng lĩnh quân đội, cựu binh, lão thành cách mạng... trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thủ tướng khẳng định: “Nếu không có các cuộc chiến tranh vĩ đại như Cách mạng Tháng Tám, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Điện Biên Phủ trên không... thì không có thành quả của sự nghiệp đổi mới ngày hôm nay. Các thế hệ đi sau sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, dốc toàn lực xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Về tình hình biển Đông, Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước vẫn không ngừng nỗ lực đấu tranh ngoại giao để bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển đảo. Việt Nam đã làm mọi việc để đấu tranh một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời luôn chuẩn bị để bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trong mọi tình huống.

Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ nghiêm khắc xử lý một số người lợi dụng việc đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp để yêu cầu xóa điều 4 Hiến pháp. Trao đổi với các cựu chiến binh, Thủ tướng nhấn mạnh việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp là để kêu gọi, tạo điều kiện cho người dân đóng góp trí tuệ, công sức... qua đó Đảng và Nhà nước chân thành tiếp thu trên tinh thần cầu thị để có được bản Hiến pháp tiên tiến phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam và hợp ý Đảng lòng dân. Đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định: “Hơn lúc nào hết chúng ta đang cần sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân. Hơn lúc nào hết chúng ta đang cần sự ổn định xã hội... để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng”.

Trước đó vào sáng cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng khu bay cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam


Ngày 19-3, Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam đã lên tiếng trước một số động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, Trung Quốc vừa phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử biên đội tàu hải giám 83 cùng trực thăng hải giám B-7103, các tàu hải giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Gần đây nhất, Trung Quốc cử tàu khảo sát khoa học nghề cá Nam Phong đến điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Ủy ban Biên giới quốc gia, các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. “Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam” - đại diện ủy ban này cho biết.
Trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những động thái đơn phương xâm lấn biển Đông, bất chấp phản ứng và quan ngại của các nước xung quanh.
Ngày 18-3, chính quyền tỉnh Hải Nam tuyên bố trong năm 2013 họ sẽ thành lập đài truyền hình vệ tinh Nam Hải và phát hành Nhật Báo Tam Sa. Đài truyền hình vệ tinh này, như Nhật Báo Trung Quốc cho biết, sẽ phát sóng các chương trình phát triển kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường biển của tỉnh Hải Nam để phục vụ binh lính và cư dân ở “thành phố Tam Sa”. Còn Nhật Báo Tam Sa sẽ chuyên đưa tin về tiến độ xây dựng, phát triển kinh tế ở “thành phố Tam Sa”, thành phố mà Trung Quốc đã thành lập trái phép từ tháng 7-2012, bất chấp phản ứng của Việt Nam và các nước xung quanh.
Một ngày trước đó, Trung Quốc cũng đưa tàu khảo sát khoa học ngư nghiệp Nam Phong đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thực hiện trái phép việc “đánh giá và điều tra nguồn tài nguyên ngư nghiệp ở biển Đông”.
Nam Phong là tàu do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo với tải trọng 1.500 tấn, được xem là tàu khảo sát ngư nghiệp lớn nhất châu Á. Tàu được trang bị các thiết bị tiên tiến như hệ thống định vị dưới nước nhằm thăm dò đáy biển và cung cấp thông tin chi tiết về số lượng, chủng loại, kích cỡ của các đàn cá dưới độ sâu hàng ngàn mét ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

TTO

9 thg 1, 2013

TT Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông Nguyễn Văn Bình phải chịu trách nhiệm về lạm phát


Kiểm soát lạm phát và xử lý nợ xấu là hai trọng trách lớn của năm 2013 mà Thủ tướng giao phó cho ngành ngân hàng tại hội nghị tổng kết sáng nay.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 diễn ra tại Hà Nội sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắng thắn giao trọng trách kiểm soát lạm phát vào đôi vai của vị tư lệnh ngành ngân hàng – Thống đốc Nguyễn Văn Bình. “Trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát. Là thành viên Chính phủ thì phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà tăng trưởng cao. Đây không phải là đòi hỏi duy ý chí nhưng là mục tiêu kép. Kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng dưới 5% thì thất nghiệp”, Thủ tướng nói với Thống đốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Về mục tiêu trong năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ cùng đồng thuận lấy mục tiêu chung của đất nước là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để phấn đấu. Riêng về vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải điều hành chính sách tiền tệ để lạm phát năm 2013 phải thấp hơn 6,8% của năm 2012, tỷ giá tiếp tục ổn định và quản lý thị trường vàng tốt như đối với thị trường ngoại tệ.
Nhiệm vụ khác Thủ tướng giao phó cho Ngân hàng Nhà nước là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, đúng địa chỉ. Theo đó, các ngân hàng cần chia sẻ tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách phân tích những đơn vị khó khăn tạm thời cần cho vay, hạ lãi suất, khoanh nợ, dùng dự phòng rủi ro để giảm lãi suất. Nói với toàn ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết: “Có những doanh nghiệp chỉ dừng cho vay là họ đổ vỡ ngay, trong khi nếu tiếp tục cho vay họ phát triển tốt. Đây là trách nhiệm với nền kinh tế, đất nước và với chính ngân hàng. Giờ trăm sự nhờ vốn, mà vốn vẫn chủ yếu nhờ ngân hàng”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho ngành ngân hàng trong năm 2013 là xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại ngành. “Tôi nghe Thống đốc báo cáo thì thấy rằng trăm sự cũng nhờ ngân hàng. “Cái chính là các đồng chí phải tự xử lý. Chủ yếu là các ngân hàng thôi chứ không có ngân sách để xử lý nợ xấu”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhìn lại cả năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, dù chưa lường hết những khó khăn nhưng ngành ngân hàng đã làm được những thành tựu quan trọng. Ngành ngân hàng đã làm tốt chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Trung ương, chức năng thành viên của Chính phủ để điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ. Qua đó, mới đóng góp ổn định lạm phát, tỷ giá, giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ như trong năm 2012 đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những thành công theo đánh giá của ông là việc đưa lạm phát từ 19% năm 2011 về còn 6,8% trong năm nay. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, điểm quan trọng là năm 2012 đã tạo ra được thế kiểm soát lạm phát một cách bài bản, làm cơ sở cho năm 2013 tiếp tục duy trì. “Những năm trước có kiểm soát nhưng độ vững chắc chưa cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát. Nay các nhân tố gây tái lạm phát vẫn còn nhưng không đáng lo ngại. Do đó, mục tiêu 2013 kiểm soát lạm phát thấp hơn 2012 là có cơ sở, có căn cứ”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Thủ tướng cũng cho rằng, ngoài lạm phát, đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2013 còn là việc kiểm soát tỷ giá. “Kinh tế vĩ mô khó khăn, nhưng vẫn giữ được tỷ giá, đây là công lao lớn của cả nền kinh tế nhưng vai trò ngân hàng rất quan trọng, từ đó mà lãi suất giảm mạnh, liên tục trong năm qua”, Thủ tướng khen ngợi.

Trách nhiệm kiểm soát lạm phát được Thủ tướng giao phó cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Trách nhiệm kiểm soát lạm phát được Thủ tướng giao phó cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Đánh giá về thị trường vàng, Thủ tướng cũng cho hay, dù vẫn còn một số việc cần làm nhưng bước đầu, ngành ngân hàng đã làm được yêu cầu đưa ra đó là không để thị trường vàng gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo ông, những tình trạng như trước đây, vàng tác động liên tục vào tỷ giá, lãi suất, cán cân xuất nhập, gây mất ổn định, làm giảm giá trị đồng tiền đã không còn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu hai yêu cầu khác về thị trường vàng cho ngành ngân hàng. Thứ nhất, cần đảm bảo nhu cầu cơ bản, hợp pháp của người dân về vàng. “Dân mua vàng thì đâu có thiệt hại gì. Phải làm sao quản lý nhưng lợi ích của của người dân, cộng đồng nói chung đảm bảo”, Thủ tướng nói.
Yêu cầu thứ ba theo Thủ tướng là quản lý vàng để từng bước vàng trở thành nguồn lực đất nước. “Không để nó mãi chôn một chỗ mà phải thành tiền đưa vào sản xuất kinh doanh”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Tại hội nghị tổng kết năm nay, không nói nhiều về những việc chưa làm được của ngành ngân hàng như năm ngoái nhưng người đứng đầu Chính phủ lại tỏ ra buồn lòng về chuyện các ngân hàng vi phạm pháp luật. Nói về những sai phạm của ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết có tình trạng một số cổ đông chi phối, lập ra ngân hàng rồi coi là của mình và lập công ty con rút tiền ra. “Đó là vi phạm pháp luật, là lừa đảo. Làm ngân hàng phải lành mạnh, không được lấy tiền của người dân cho mình chi tiêu, đầu tư; tài sản thế chấp một đồng mà cho lên thành 10 đồng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước xem xét và đưa ra quy định để quản lý tốt vấn đề sai phạm của các ngân hàng. “Chúng ta phải làm sao ngân hàng là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, không lặp lại tình trạng ngân hàng yếu kém, gây mất ổn định nền kinh tế”, Thủ tướng yêu cầu.

8 thg 1, 2013

Thủ tướng chỉ đạo tập trung bảo đảm an sinh xã hội


Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo...

Đầu cầu Hà Nội của Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội.

Không cắt giảm bất kỳ khoản chi nào dành cho an sinh xã hội

Điểm lại những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đạt được trong năm 2012, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng GDP đạt trên 5% (nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực).

Đặc biệt trong điều kiện khó khăn, chúng ta không cắt giảm bất kỳ khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng thêm các khoản chi cho an sinh xã hội. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó có một số chỉ tiêu lớn như: tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi cư trú; giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012; hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa…

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội nhất là trong xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, các đơn vị trực thuộc. Nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo về lao động, nhu cầu lao động; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp về các vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm.

Tập trung làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.

Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề ở khu vực nông thôn theo hướng gắn liền với công việc người dân đang làm để họ có kiến thức tốt hơn, tạo ra năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, lưu ý rà soát để không bỏ sót các đối tượng có công với cách mạng mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quan tâm thực hiện công tác quy tập hài cốt liệt sĩ khi đang làm nhiệm vụ ở Lào, Campuchia.

Quản lý chặt chẽ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng lựa chọn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi đề người lao động có thu nhập cao khi đi xuất khẩu lao động cũng như quản lý chặt chẽ, hiệu quả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những kết quả đạt được trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định xã hội. 
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với với các Bộ, ngành địa phương trong chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đảm bảo cho nhân dân đón xuân mới đầm ấm, vui tươi, an toàn và lành mạnh.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 10%

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, trong năm 2012, với những nỗ lực của toàn ngành, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về lao động, người có công và xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2012 đã giải quyết việc làm mới cho 1,52 triệu người (đạt 95% kế hoạch). Tổ chức được trên 600 phiên giao dịch việc làm ở 43 tỉnh, thành phố với tần suất giao dịch tăng gấp 1,2 lần so với năm 2011.

Trong năm 2012 đã tuyển mới dạy nghề cho trên 1,493 triệu người, đạt 78,6% kế hoạch. Hệ thống dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến cuối năm 2012 cả nước có 151 trường cao đẳng nghề (trong năm 2012 thành lập thêm 5 trường) trong đó có 95 trường công lập, 18 trường thuộc doanh nghiệp nhà nước; 38 trường tư thục; 307 trường trung cấp nghề; 869 trung tâm dạy nghề (trong năm 2012 thành lập mới 11 trung tâm). Các hoạt động dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công kịp thời, đầy đủ với trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 1,5 triệu người có công với cách mạng; điều chỉnh nâng mức trợ cấp người có công từ ngày 1/5/2012 theo Nghị định số 47/2012/NĐ-CP của Chính phủ (tăng 27,58%); tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 290.000 người; nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung cho khoảng 1.000 thương binh nặng; thực hiện chính sách chỉnh hình-phục hồi chức năng cho trên 12.500 thương binh, thân nhân người có công. Công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, chương trình hỗ trợ giảm nghèo với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tính đến cuối năm 2012 còn khoảng 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.

Công tác bảo trợ xã hội được chú trọng, thực hiện bảo trợ thường xuyên tại cộng đồng cho 2,65 triệu người; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2,53 triệu người. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được củng cố, nâng cấp từ nhiều nguồn kinh phí, tăng quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ cho đối tượng; phát triển thêm 20 cơ sở bảo trợ xã hội (2 cơ sở công lập, 18 cơ sở dân lập) đưa tổng số cơ sở bảo trợ xã hội cả nước lên 432 cơ sở (270 cơ sở công lập, 158 cơ sở dân lập)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn còn một số hạn chế như: thực hiện chương trình công tác, một số đề án chuẩn bị còn chậm; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; nguồn lực đầu tư cho dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế; đời sống người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp.

Tại các đầu cầu của Hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Đồng Nai… đề nghị Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực vào hiện các sách sách giảm nghèo đối với những địa bàn nghèo; nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội; tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm.

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), đặc biệt cần làm rõ những vấn có thể phát sinh trong thi hành Bộ luật Lao động sửa đổi như vấn đề liên quan đến hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi lao động…

Theo VGP News