Trang

31 thg 7, 2012

Báo chí phương Tây cáo buộc Trung Quốc “khiêu khích”trên Biển Đông


Một số tờ báo phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc “khiêu khích” với quốc gia láng giềng và dụng tâm muốn biến Biển Đông thành “lãnh địa” của mình. 

Ngày 29/7, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục là đề tài được báo chí khai thác. Cùng với một loạt sự kiện như việc Trung Quốc điều đội tàu cá lớn ra Biển Đông, thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”...  và Việt Nam cho công bố loạt bản đồ chứng minh chủ quyền không tranh cãi ở Hoàng Sa và Trường Sa, một số tờ báo phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc “khiêu khích” với quốc gia láng giềng và dụng tâm muốn biến Biển Đông thành “lãnh địa” của mình.
Các nước ASEAN đang hối thúc việc sớm đàm phán COC với Trung Quốc để có cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tin từ hãng RFI cho hay, hôm 28/7, tờ Le Monde của Pháp đã dành một bài xã luận về chủ đề Biển Đông với dòng tít khá ấn tượng “Trung Quốc đang áp đặt luật chơi trên Biển Đông”. Tác giả bài báo của hãng RFI đã một lần nữa nhấn mạnh trong bài xã luận của tờ Le Monde rằng, động cơ của các hành động như thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thành lập lực lượng đồn trú trên đảo, bổ nhiệm tư lệnh và chính ủy... của Trung Quốc là nhắm đến nguồn tài nguyên thủy sản, dầu hỏa và khí đốt trong khu vực đang tranh chấp với các quốc gia láng giềng.

Còn đối với việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tác giả của bài xã luận của tờ Le Monde khẳng định, Trung Quốc muốn áp đặt điều mà nước này cho là thuộc về họ và họ có quyền hành động theo ý mình. Bài xã luận còn phân tích rằng, tham vọng của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông đang gây quan ngại cho các nước láng giềng.

Và mặc dù đã có những đụng độ, khiêu khích từ phía Trung Quốc nhưng theo nhận định của tác giả, viễn cảnh cho vấn đề Biển Đông không đến nỗi quá u ám: “Một cuộc xung đột lớn sẽ không nổ ra. Các nước có liên quan có thể sẽ tìm được những biện pháp cụ thể cho việc cùng quản lí tài nguyên dầu hỏa, khí đốt và nguồn lợi thủy sản, và sẽ tìm được điểm đồng thuận để triển khai một cơ chế nhằm giảm thiểu hoặc tránh để xảy ra rắc rối”.

Bên cạnh bài xã luận của tờ Le Monde, hãng RFI cũng nhắc đến bài viết của tờ Le Figaro nhân sự kiện Trung Quốc thành lập đơn vị đồn trú ở Biển Đông. Ngay ở dòng tựa của bài viết, tác giả đã nêu bật dụng tâm của Trung Quốc là muốn biến vùng biển mà họ đòi chủ quyền thành “lãnh địa của mình”. Tác giả bài báo, Arnaud de la Grange viết: “Trong cuộc tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng, Trung Quốc không hề buông súng, mà trái lại họ liên tục loan báo những kế hoạch mới”.

Theo tác giả Arnaud de la Grange, từ tháng trước, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước trong kế hoạch “thôn tính Biển Đông” khi cấp cho vùng biển rộng lớn đó quy chế của một thành phố, lấy tên là Tam Sa, trực thuộc đảo Hải Nam và phái một đoàn tàu đánh cá đến Trường Sa. Tác giả Arnaud de la Grange cảnh báo, Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách “sự đã rồi” để áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông”!

Cùng phân tích về kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông, TS Ian Storey, chuyên viên phân tích của Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á có trụ sở ở Singapore hôm 28/7 cũng có một bài viết trên báo South China Morning Post (SCMP) cảnh báo, do lập trường khác nhau về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, những chỉ dấu hiện nay báo hiệu thương thuyết giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN về một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là một tiến trình gay go và khó thỏa hiệp.

TS Ian Storey nhận định, nếu các nước ASEAN và Trung Quốc nhất quyết củng cố mối quan hệ thân hữu, tăng cường hợp tác thì phải nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc thi hành các thỏa thuận đã có như bản Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) và cần thiết phải có COC với các nguyên tắc tương ứng với những thỏa ước quốc tế hiện hành, gồm cả Hiệp ước hữu nghị và hợp tác của ASEAN năm 1976 và Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Nhưng, vào năm 2006, Trung Quốc đã sử dụng quyền của mình để rút ra khỏi thủ tục giải quyền tranh chấp bằng UNCLOS cho phù hợp với lập trường chống lại sự hòa giải của bên thứ ba. Vì vậy, TS Ian Storey cảnh báo, Trung Quốc đã tự vẽ riêng cho mình một nguyên tắc giúp họ đối phó với các quy tắc ứng xử được ASEAN đề nghị.

Điều này, theo TS Ian Storey, đã được thể hiện rõ qua thái độ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Phnom Penh (Campuchia) khi đã bác bỏ đề nghị ASEAN và Trung Quốc bàn thảo COC  vào tháng 9 và chỉ đồng ý về COC “khi thời gian chín muồi”. TS Storey còn lo ngại, khi Trung Quốc và ASEAN ngồi xuống để bàn luận các điều khoản của COC, các đại diện thương thuyết của Bắc Kinh có thể sẽ đòi hỏi tất cả các giải pháp giải quyết tranh chấp đều phải bỏ ra ngoài.

Trong khi đó, tại châu Á, một số quốc gia đã bày tỏ quan điểm của mình xung quanh tranh chấp ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng trong khu vực. Trong cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna tại New Delhi hôm 27/7, Ngoại trưởng Ấn Độ đã khẳng định, cần phải tôn trọng tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế. Đồng thời, ông SM.Krishna cũng bày tỏ hy vọng các bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ cùng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng  định, các nước ASEAN vẫn đang nỗ lực để sớm đạt được COC với Trung Quốc.

Ủng hộ cách giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, một số học giả Australia đã kêu gọi chính phủ nước này nên làm nhiều hơn nữa để giúp giảm thiểu những mối căng thẳng ở Biển Ðông. TS Michael Wesley, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney lập luận, Australia nên dựa vào những mối quan hệ gần gũi với cả Washington lẫn Bắc Kinh để điều giải một thỏa hiệp cho vụ tranh chấp ở Biển Đông.

TS Michael Wesley cảnh báo: "Ở mức độ thứ nhất thì đây là những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Và mức độ thứ nhì thì đây là một vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Mỹ về điều kiện để tàu bè thông thương qua hải lộ này.  Và theo tôi, có một khả năng thực sự là xung đột có thể bùng nổ vì các lực lượng trên biển thiếu kinh nghiệm, những lực lượng có ít hoặc không có sự hiểu biết lẫn nhau về cách thức xử lý những vụ việc trên biển"

Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét