Trang

26 thg 7, 2012

Bộ trưởng Công Thương: Cứu doanh nghiệp không cần chờ phê duyệt


Tuyên bố trên được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra trong buổi tọa đàm góp ý cho đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội sáng nay (26/7).

- Bộ Công Thương có kế hoạch như thế nào để giúp doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho?

- Tôi nghĩ, câu chuyện liên quan đến hàng tồn kho của doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ, các bộ ngành và toàn xã hội quan tâm. Nếu không giải quyết được, trước hết, mục tiêu kế hoạch năm 2012 khó có thể hoàn thành cũng như khó khăn hơn khi bước vào thực hiện kế hoạch 2013 và những năm sau.

Nhóm giải pháp của Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp tập trung thực hiện giảm nhanh hơn lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp. Nhóm giải pháp mà Bộ Công Thương đang triển khai cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, bộ ngành xem xét nội dung liên quan đến tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, trong đó có tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Sẽ có nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đối tượng này dễ bị tổn thương".
- Cụ thể các biện pháp này sẽ thực hiện như thế nào?

- Nhóm giải pháp trong nước liên quan đến phát triển thị trường nội địa, thực hiện các chương trình đã vận động, chẳng hạn như “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, chủ trương tăng cường sử dụng nhiều hơn các sản phẩm trong nước sản xuất thay cho hàng nhập khẩu. Vấn đề vận động, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng với hàng Việt cũng cần được tăng cường.

Có nhiều nhóm giải pháp, nhưng đề án được duyệt sẽ có hai nội dung hết sức quan trọng: Một là tập trung cho những nhóm giải pháp ngay trước mắt để giảm tồn kho cho doanh nghiệp, tức là đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần đẩy sản xuất kinh doanh. Thứ hai, trong các đối tượng của cộng đồng doanh nghiệp, có nhiều giải pháp tập trung cho nhóm vừa và nhỏ. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, gặp khó khăn.

- Ông nghĩ sao khi một số ý kiến cho rằng, nếu để muộn quá thì không còn tác dụng với doanh nghiệp vì thường các chính sách đều có một độ trễ nhất định?

- Phải thừa nhận là chính sách nào cũng có một độ trễ nhất định. Nhưng việc khắc phục đến mức nào phụ thuộc vào ý chí, mong muốn chủ quan. Tôi nghĩ nếu chúng ta quyết liệt phối hợp với nhau đồng bộ hơn, sẽ khắc phục được nhiều độ trễ, đặc biệt là khi có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp.

Và thực tế là, thời gian vừa qua, những gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng được thực hiện rất kịp thời về mặt thời gian. Chỉ sau khi kết thúc kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII hôm 21/6, các bộ ngành đã căn cứ nhiệm vụ phân công mà triển khai xây dựng ngay đề án. Đến nay, sau 3 tuần, về cơ bản chúng ta đã có trong tay những đề án hết sức cụ thể.

Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Công Thương, tôi xin nhắc lại là có hai phần: một là nhắc lại những giải pháp đã được ban hành nhưng cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, tích cực hơn, hai là những giải pháp mới. Trong giải pháp mới, tôi nghĩ rằng đã có những nội dung chín muồi, phù hợp với tình hình thực tế thực hiện được ngay mà không cần chờ phê duyệt.

Chúng ta xác định với nhau, để chậm ngày nào sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp ngày đó, đồng thời cản trở mục tiêu thực hiện kế hoạch năm 2012.

- Hai tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tiếp âm, sức mua yếu của thị trường có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2012, Bộ trưởng đánh giá như thế nào?

- Đúng là tháng 7, CPI đã -0,29%, trước đó tháng 6 cũng giảm so với cùng kỳ năm 2011 và các tháng trước của 2012. Điều này, một mặt chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ chỉ đạo thực hiện mục tiêu tổng quát 2012 là kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả, có tác dụng bước đầu như mong muốn. Nhưng mặt khác, CPI giảm liên tiếp cũng phản ánh khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sức tiêu thụ, sức mua của thị trường kém. Do đó, cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng một số biện pháp về kinh tế vĩ mô để tránh bị rơi từ lạm phát cao dẫn đến thiểu phát, rồi đình trệ.

- Mức lãi suất 15%/năm vẫn được cho là quá sức với nhiều doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, lãi suất nên ở bao nhiêu là hợp lý để doanh nghiệp có thể sống?

- Lãi suất bao nhiêu lại phù thuộc vào từng loại doanh nghiệp cũng như việc điều hành kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của tôi, đợt giảm lãi vay các khoản cũ về 15%/năm vừa rồi cũng đã là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước rồi, vì trước đó lãi suất luôn là 18-19%/năm.

Dù thế nào đi chăng nữa, việc tháo gỡ trước mắt là cần thiết, nhưng về lâu dài phải ổn định. Nếu không, chúng ta dễ quay về tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, và không điều hành khéo léo, có thể lạm phát lại tăng lên do lượng tiền trong lưu thông lớn. Tôi nghĩ, lãi suất cho vay nên ở bao nhiêu, phải đặt trong mối tương quan với lạm phát, lãi suất huy động và có sự kết hợp hài hòa, cái này bổ sung, tương thích cái kia, lúc đó mới phát huy tác dụng được.

Nguồn: zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét