Trang

17 thg 7, 2012

Nguyễn Văn Bình sẽ bị chất vấn về nợ xấu


Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) vào tháng 8 tới, tập trung vào 2 nội dung giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Đó là nội dung mà nhiều thành viên Ủy ban TVQH nhất trí với đề xuất của Ban Công tác đại biểu liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, là một trong những thông tin đáng chú ý của phiên họp diễn ra sáng qua 16.7.

Theo Tờ trình về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban TVQH do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình tại phiên họp, ngoài Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, danh sách đề xuất trả lời chất vấn tại phiên họp tới còn có thêm Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nội dung dự kiến sẽ chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; giải pháp để khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế. “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, tuy nhiên, những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngân hàng hiện đang có nhiều bức xúc trong xã hội, vì vậy đề nghị tiếp tục chất vấn”, bà Nương giải thích về đề xuất này của Ban Công tác đại biểu.

Các vị bộ trưởng khác như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng sẽ được mời tham gia “chia lửa” cùng các thành viên đăng đàn trả lời chất vấn.

Mặc dù trong Tờ trình, Ban Công tác đại biểu đề xuất trong trường hợp TVQH chỉ tiến hành chất vấn trong một ngày thì dự kiến chất vấn Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội; nếu một ngày rưỡi thì chất vấn thêm Thống đốc Ngân hàng, song qua thảo luận, hầu hết các ý kiến đều đề nghị chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội.

Nói rõ giải quyết nợ xấu bằng cách nào

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, chất vấn lần này đề nghị Thống đốc giải thích rõ vấn đề giải quyết nợ xấu các ngân hàng thế nào, “vì đây là vấn đề nóng, xã hội đang hết sức quan tâm”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình, và nhấn mạnh thêm: “Đề nghị Thống đốc Ngân hàng giải trình 2 nội dung cơ bản: một là nợ xấu 202 nghìn tỉ đồng giải quyết thế nào, hai là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ra sao”. Tương tự bà Mai, ông Ksor Phước cũng đề nghị ngoài Thống đốc nên chất vấn thêm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, tập trung vào các nội dung như đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.

“Chốt” lại nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị thêm để có thể chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tại phiên họp TVQH tới. Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh với Thống đốc Ngân hàng, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào giải quyết nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Ngoài nội dung trên, qua thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 của QH vào tháng 10 tới, các ĐB vẫn chưa đạt được sự thống nhất với Tờ trình do Văn phòng Quốc hội huẩn bị, trong đó có đề xuất tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường lên 3 ngày, thay vì 2,5 ngày như hiện hành. Mặc dù, theo giải thích của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, việc đề nghị xem xét tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày như thông lệ lên 3 ngày nhằm để có thể bố trí các bộ trưởng báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3 (đối với những vụ việc bức xúc, đến thời hạn trả lời ĐBQH như đã hứa).

Nguồn: TN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét