Trang

6 thg 7, 2012

Hơn 90% phòng khám TQ ở Việt Nam là lừa đảo?


"Tôi có bằng chứng để khẳng định hơn 90% các phòng khám Trung Quốc ở Việt Nam là lừa đảo", ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nói như vậy khi trò chuyện cùng phóng viên.

Tôi có bằng chứng...

Vừa rồi có nhiều phòng khám Trung Quốc mở ra và hoạt động vượt quá thẩm quyền. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam.
Thực ra, phòng khám Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam cách đây khoảng 20 năm rồi. Đa số họ đều là người lừa đảo chứ có mấy ai sang Việt Nam mở phòng khám để chăm sóc sức khoẻ của người dân đâu!

Đa số là lừa đảo ư? Cơ sở nào để ông khẳng định điều đó?

Tôi có bằng chứng để khẳng định như thế. Tôi chắc rằng, con số đó sẽ không dưới 90%. Bởi tôi đã có hai lần trong hội đồng thẩm định xét duyệt hồ sơ của người Trung Quốc đăng ký hành nghề Đông y tại Việt Nam. Lần thứ nhất vào khoảng năm 2000 - 2001. Khi ấy, có 23 hồ sơ thì 17 người không qua học hành gì cả, 5 người là y sĩ, bác sĩ cấp xã, 1 người là bác sĩ Đông y Khoa tai mũi họng. Đấy là kết quả của Cục Trung y Trung dược Trung Quốc gửi sang theo đề nghị từ phía Việt Nam.

Lần thứ hai sau đó chừng 5, 6 năm với 7 bộ hồ sơ. Trong cuộc họp thẩm định, tôi nói luôn rằng ở đây có việc thuê bằng, vì có lần tôi đến quan sát ở một phòng khám Đông y Trung Quốc, người đứng tên là một ông sinh năm 1937 nhưng ra khám cho tôi là một thanh niên chừng 25, 26 tuổi. Kết cục là cả hai lần ấy, hội đồng thẩm định đều không chấp thuận cho một hồ sơ nào cả.

Thiếu quan tâm tới sinh mạng của dân

So với hai thời điểm trên, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của các phòng khám Trung Quốc ở Hà Nội hiện nay?

Chẳng riêng gì Hà Nội mà ngay cả TPHCM cũng tràn lan. Nhất là từ khi Bộ Y tế phân cấp cho các Sở Y tế quyền cấp phép hành nghề của các phòng khám này.

Theo ông, vì sao lại có sự phát triển tràn lan của các phòng khám như thế?

Do trình độ quản lý của ta quá kém, không khảo sát được nhân thân của người lao động Trung Quốc. Các cơ quan chức năng thiếu quan tâm tới sinh mạng của nhân dân. Vì thế mới dẫn đến việc các phòng khám này tự tung tự tác, vì đồng tiền mà bất chấp cả đạo lý và sinh mạng con người.

Thứ nữa, tôi cho rằng, việc mở các phòng khám này chắc chắn lợi nhuận rất lớn. Khi đó, một nửa tiền của dân chui vào túi người kinh doanh các phòng khám này, nửa còn lại sẽ chui vào túi của một số người thuộc cơ quan chức năng quản lý các phòng khám ấy.

Nghĩa là, ông tin có sự bao che, bảo kê cho các phòng khám này?

Cái đó là có. Chắc chắn có! Tôi xin kể câu chuyện như thế này. Cách đây mấy năm, một phòng khám Trung Quốc xin cấp phép hoạt động ở trong TPHCM. Một hôm, có người lạ đến nhà tôi chơi, mang theo túi quà và nhờ tôi "xem xét" cho trường hợp này. Tôi bảo cái đó là thẩm quyền cơ quan chức năng, tôi không thể can thiệp nên từ chối nhận quà.

Giám đốc Sở Y tế đừng vì tiền mà...

Ông vừa nói đến việc "thiếu quan tâm tới sinh mạng của nhân dân". Ông nói thế liệu có võ đoán? Vì đó là trách nhiệm của Bộ Y tế, các Sở Y tế cơ mà? Họ ăn lương từ tiền thuế của dân đóng góp thì phải quan tâm tới sinh mạng nhân dân chứ?

Khi bị bệnh, người ta tìm đến thầy thuốc. Họ tuyệt đối tin vào thầy thuốc. Thế mà họ lại bị chính thầy thuốc lừa đảo thì cực kỳ dã man. Vì sao người bệnh bị lừa đảo? Chính vì sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng đấy chứ!

Ông bình luận gì về việc Bộ Y tế giao cho các Sở Y tế quyền cấp phép hành nghề và quản lý hoạt động phòng khám Trung Quốc? Phải chăng việc đó dẫn đến sự thiếu chặt chẽ trong quản lý?

Tôi không bình luận gì. Nhà báo hãy đi hỏi chính những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế! Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, những người có trách nhiệm, các Giám đốc Sở Y tế hãy đừng vì đồng tiền mà làm hại sức khoẻ nhân dân nữa! Khi đó thì việc xử lý các phòng khám có nhân tố người Trung Quốc hoạt động sai thẩm quyền sẽ dễ dàng hơn.

Hiện tại, Bộ Y tế và các Sở Y tế cũng đang thanh tra, kiểm tra các phòng khám Đông y Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Tôi cho rằng, việc kiểm tra như thế chỉ là để cho vui thôi, để báo chí, dư luận yên tâm rằng họ đã làm, đang làm. Thấy sai phạm mà chỉ xử phạt rồi để cho nó vẫn tồn tại thì xử làm gì? Cần phải mạnh tay hơn là đóng cửa những phòng khám ấy, thậm chí là xử lý hình sự khi họ xâm hại đến sức khoẻ và tiền tài của nhân dân.

Sính ngoại vì quảng cáo trên trời

Hơn 90% phòng khám Trung Quốc là lừa đảo. Vậy theo ông có nên "cấm tiệt" các phòng khám có người Trung Quốc hành nghề ở nước ta?

Tôi có 7 năm học Đông y bên Trung Quốc nên tôi hiểu nền Trung y của Trung Quốc là một nền y học nổi tiếng. Vì thế, tôi vẫn mong muốn có những phòng khám Đông y Trung Quốc ở Việt Nam, với điều kiện phải là những người có chuyên môn, thực sự giỏi.

Nhưng nếu cho phép phòng khám Đông y Trung Quốc hoạt động có làm cho nền y học cổ truyền của ta bị "lép vế", thưa ông? Vì thực tế, những phòng khám này rất hút khách?

Tôi không cho rằng như thế. Y học cổ truyền của ta cũng có những cái ưu việt chứ! Tôi xin khẳng định rằng, thầy thuốc Đông y Trung Quốc không thể hiểu được bệnh của người Việt Nam như thầy thuốc Việt Nam, vì người Trung Quốc sống ở khí hậu ôn đới và hàn đới, còn chúng ta sống ở khí hậu nhiệt đới thì bệnh tật hoàn toàn khác nhau.

Đúng là dân mình sính ngoại. Tuy nhiên, việc họ đổ xô đến các phòng khám Trung Quốc một phần vì các phương tiện truyền thông tiếp tay với những quảng cáo "trên trời". Không thể trách người dân được mà phải trách chính cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông.

Nếu không chữa được bệnh cho người Việt Nam thì chúng ta còn cấp phép cho họ làm gì, thưa ông?

Chúng ta không bài ngoại. Do đó, có những phòng khám Đông y Trung Quốc chất lượng cũng giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm của họ. Cái đó cần được khuyến khích nhưng với điều kiện phải làm chặt chẽ trong khâu cấp phép, quản lý hoạt động và nhất là cơ quan chức năng phải tìm hiểu nhân thân của những người Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề qua các cơ quan chức năng của Trung Quốc (đi theo đường chính ngạch).

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét