Trang

10 thg 7, 2012

Báo Trung Quốc xuyên tạc ý kiến chuyên gia quốc tế về biển Đông


Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã cố tình cắt xén ý kiến chuyên gia nhằm ngụy tạo các ý kiến ủng hộ cho các hành động ngang ngược của nước này trong tranh chấp.

Thời báo Hoàn Cầu đã có buổi phỏng vấn với ông Robert C Beckmand, Giám đốc Trung tâm Luật pháp quốc tế CIL, ĐH Quốc gia Singapore về một số vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Bài viết có tiêu đề: “Trung Quốc từng bước di chuyển vào biển Nam Trung Hoa (biển Đông)".

Ông Robert C Beckmand
Tuy nhiên, sau khi thực hiện buổi phỏng vấn này, Thời báo Hoàn Cầu đã cố tính bóp méo câu trả lời của ông Robert C Beckmand bằng cách sửa lại hoặc đăng không đầy đủ câu trả lời của ông Robert C Beckmand. Trong đó có đoạn, ông Robert C Beckmand khẳng định: "Luật biển Việt Nam vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua là một việc làm hoàn toàn phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển  UNCLOS năm 1982".

Trong bài phỏng vấn ông Beckmand cũng cho rằng, việc Tổng công ty CNOOC (Trung Quốc) công bố mời thầu quốc tế  9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Trả lời báo Đất Việt, ông Beckman khẳng định, Thời báo Hoàn Cầu đã chỉnh sửa hầu hết các câu trả lời của ông. Đồng thời, ông Beckman hoan nghênh việc đính chính.

Để giúp độc giả thấy rõ sự can thiệp của Thời báo Hoàn Cầu đối với ý kiến chuyên gia quốc tế, Đất Việt xin đăng tải lại phần trả lời nguyên bản của ông Robert C Beckmand.

Trích thư trả lời Báo Đất Việt của ông Robert C Beckmand: ..."However, the Global Times edited out most of my responses to their questions. You are welcome to do an article based my responses to their questions, which are set out below". 
Dưới đây là nội dung các câu trả lời của ông Robert C Beckmand (với phần in nghiêng bị chỉnh sửa hoặc cắt bỏ):

- Thời báo Hoàn Cầu: Ông có xem các báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc như là một dấu hiệu mạnh mẽ và quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ “chủ quyền” hàng hải đối với các hành động khiêu khích từ các nước láng giềng, đặc biệt sau khi Việt Nam thông qua luật tuyên bố quyền tài phán đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa? (cách Trung Quốc gọi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - ĐV) 

- Ông Robert C Beckmand: Tôi thấy Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết đoán hơn đối với tuyên bố của mình ở biển Đông. Theo quan điểm của tôi có một số hiểu lầm liên quan đến pháp luật về biển gần đây được thông qua bởi Quốc hội Việt Nam. Mục tiêu chính của bộ luật này, theo tôi hiểu, là xây dựng luật pháp quốc gia phù hợp với quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thực tế các quy định trong bộ luật mới này gồm việc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải là một điều bất ngờ và đó không phải là một sự phát triển mới. Việt Nam đã chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này trong nhiều năm trong các ghi chú ngoại giao chính thức đã ký với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, cũng có tuyên bố chủ quyền khác của Trung Quốc và Phillippines quy định trong pháp luật của họ đối với các quần đảo và đảo trên biển Đông.

- Thời báo Hoàn Cầu: Bên cạnh việc thành lập Tam Sa và các báo cáo của Bộ Quốc phòng, Tổng công ty CNOOC công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi tên biển Đông - ĐV). Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc sử dụng nó như công cụ để giải quyết các tranh chấp, quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
 - Ông Robert C Beckmand: Việc thành lập Tam Sa và tuyên bố mời thầu quốc tế của CNOOC cho thấy Trung Quốc đang làm phức tạp thêm các tranh chấp trong khu vực.

(Trong khi đó, bài viết của báo Hoàn Cầu lại nói rằng, “ông Beckman coi hành động của Trung Quốc là một bước ngoặt, là một bước đi để khẳng định những tuyên bố của mình”. Thời báo Hoàn Cầu cũng không quên cắt bỏ đoạn ông Beckman nói rằng, đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc là quá xa so với bất kỳ hòn đảo nào của nước này và không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý nào - ĐV). 

- Thời báo Hoàn Cầu: Chính phủ Việt Nam đã phản đối thành lập Tam Sa và tuyên bố của CNOOC. Ông có cho rằng Việt Nam có khả năng để khởi động các biện pháp đối phó nhiều hơn nữa với các bước đi của Trung Quốc.

- Ông Robert C Beckmand: Họ (Việt Nam) chắc chắn sẽ thách thức tính hợp pháp đối với các tuyên bố của Trung Quốc như một hành vi xâm phạm chủ quyền của họ đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuyên bố của Việt Nam là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

(Phần trả lời khẳng định sự phi lý của việc CNOOC công bố mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị biên tập viên của báo Hoàn Cầu loại ra khỏi bài viết - ĐV).

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu chỉ đăng một phần cầu trả lời với nội dung như sau: “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí, các tranh chấp trong khu vực không làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang”.

Sự việc báo Hoàn Cầu bóp méo các câu trả lời của chuyên gia quốc tế về biển Đông nhằm cố tình đánh lừa độc giả rằng, Luật Biển Việt Nam, tuyên bố phản đối việc mời thầu của CNOOC là những hành động mang tính khiêu khích chứ không phải là  một việc làm hoàn toàn hợp pháp và chính đáng theo Công ước Luật biển Quốc tế UNCLOS. 

Đối với báo chí, việc bóp méo câu trả lời của chuyên gia quốc tế được coi là một hành vi thiếu tôn trọng người được phỏng vấn, đi ngược với phương châm của người làm báo là cung cấp thông tin cho độc giả một cách chính xác và trung thực. Điều này một lần nữa cho thấy sự phi lý và ngang ngược của Trung Quốc đối với các hành động của họ trên biển Đông. 

Nguồn: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét