Trang

31 thg 5, 2012

Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm là một sai lầm lớn

Nếu là người khôn ngoan thì nên dừng. Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng ở đây có 2 tình huống: có quan hệ riêng tư để nâng đỡ nhau, thậm chí chạy tội cho nhau; nhưng cũng có thể là tình huống chủ quan của người có trách nhiệm, họ cho đó là giải pháp tốt.

Đó là nhận định của Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 31.5 về quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (hiện đang bị truy nã).
Đại biể Quốc Hội Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí.
Ông Quốc nói: Có thể người có năng lực nhưng cơ chế không khiến họ phát huy được năng lực. Tôi cho rằng quản lý vĩ mô không đơn giản, chẳng hạn những chuyện diễn ra chỗ này, chỗ khác, đó chính là các tập đoàn nhà nước. Ở đây tôi muốn nói và tôi sẽ nêu ý kiến khi đóng góp cho Chính phủ: Năng lực lắng nghe của Chính phủ rất thấp. Những cái hôm nay xảy ra đều đã được cảnh báo từ trước, thậm chí ở nhiệm kỳ trước cũng có một số ĐB nếu ra cần phải xây dựng một Luật bảo toàn vốn Nhà nước. chúng ta thấy vốn nhà nước bị thất thoát như vậy thì những cảnh báo trước đây là cần thiết.

- Nhưng qua lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải thì người ký quyết định bổ nhiệm cũng vô can?

Tôi không kết luận chuyện đó mà nên để cơ quan điều tra kết luận. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta nên lắng nghe và để cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Tôi nghĩ không đơn giản để quy kết được.

Bộ trưởng Bộ GTVT nói rằng điều chuyển ông Dương Chí Dũng là để cứu Vinalines. Là ĐBQH, ông có bình luận gì về điều này?

Tất cả những cái đó là do người trong cuộc nói ra. Vấn đề là bản thân anh Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - PV) phải thấy rằng anh mới về địa bàn đó, mà chúng ta thấy cơ chế hiện nay một người mới về nắm một địa bàn mới thì không dễ. Hơn thế, có thể mục đích tốt, nhưng kết quả không được như mình muốn thì có thể người ngoài nói là quan liêu, không sâu sát… điều đó có thể xảy ra. Nhưng cũng phải thấy rằng việc điều chuyển một nhân vật cấp cao trong bộ máy như thế. Tôi nghĩ rằng không nên vội vã kết luận, không nên dùng hình thức để quy kết vì nó liên quan đến con người rất cụ thể. Cứ để các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc và làm rõ.

Tôi nghĩ những bài học này khiến cho việc giải quyết những vụ việc cụ thể, mà quy trình tổ chức phải thay đổi nếu như quy trình đó có thể tạo ra những rủi ro kiểu như việc bổ nhiệm cán bộ này.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Thăng cho rằng do chưa biết kết quả thanh tra thế nào nên vẫn bổ nhiệm?

Cái này là do rơi vào tình huống cụ thể. Chúng ta ai cũng muốn mọi chuyện tốt đẹp Khi mọi chuyện không được như mong muốn, chúng ta lại quay ra quy kết, phân tích chủ quan thì không nên. Mọi cái phải có cái chuẩn, chuẩn ở đây chính là cơ chế. Cơ chế có thể sai khiến cho con người mắc sai lầm. Nếu cơ chế đúng mà mình mắc sai lầm thì mình phải chịu trách nhiệm.

- Bộ chủ quản đến nay mới khẳng định không hề biết đến những sai phạm của Vinalines mà chỉ biết khi có kết luận thanh tra thì liệu có khách quan?

Cái đó cần quy trách nhiệm của ai đó. Quy trách nhiệm hiện không dễ. Tôi là người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tôi chỉ muốn nói rằng khi đánh giá một con người phải hết sức thận trọng, phải có cái chuẩn. Cái chuẩn đó nếu đúng thì cá nhân phải chịu trách nhiệm.

- Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm người đứng đầu khi ông Dương Chí Dũng liên tục để xảy ra nội bộ mất đoàn kết ở Vinalines và Bộ GTVT cũng không có cách gì xử lý?

Tôi nói rằng hiện tượng mất đoàn kết tương đối phổ biến và giải quyết chuyện mất đoàn kết không dễ tí nào. Chính mất đoàn kết nên không thể nhất trí với nhau. Nên đây là một bài toán không phải chỉ riêng ở Vinalines. Lúc nào tôi thấy ở đau cũng có chi bộ 4 tốt, 5 tốt… Do vậy, từ chuyện này, chúng ta cần hết sức sâu sát và cần cơ chế để đánh giá một cách thường trực.

- Có ý kiến cho rằng trong khi chưa có kết luận thanh tra thì nên dừng việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ?

Nếu là người khôn ngoan thì nên dừng. Nhưng đôi khi có những tình huống cụ thể. Ở đây có 2 tình huống: có quan hệ riêng tư để nâng đỡ nhau, thậm chí chạy tội cho nhau hay cũng có thể là tình huống chủ qun của người có trách nhiệm họ cho đó là giải pháp tốt. Tôi thấy đó cũng đâu phải là của riêng trách nhiệm Bộ trưởng, mà cả cơ chế của Đảng, của Bộ Nội vụ… vì điều chuyển một nhân vật như thế không đơn giản.

- Như ông vừa nói mất đoàn kết nội bộ khá phổ biến, nhưng người đứng đầu một cơ quan để xảy ra mất đoàn kết nội bộ vẫn được đánh giá tốt có phổ biến không?

Tôi không nghĩ là đánh giá tốt. Mâu thuẫn nội bộ rất khó phân tích nguyên nhân là do đâu. Đương nhiên là có cả trách nhiệm của người đứng đầu. Như cách đặt vấn đề của ông Thăng khi trả lời báo chí mới đây là ông muốn dùng giải pháp điều chuyển cán bộ để tách những mâu thuẫn đó ra. Đó cũng là mọt phương pháp, còn đúng hay sai phải đánh giá chính xác. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên chủ quan suy xét. Hơn bao giờ hết trong trường hợp này các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Hiện tượng mình cứ phản ánh để các cơ quan chức năng trả lời.

- Nhưng ngay cả những cơ quan chức năng trong trường hợp này cũng không đồng nhất, ví dụ như kiểm toán thì không nói lỗ lãi, nhưng thanh tra nói lỗ?

Nếu có sự khách biệt thì Chính phủ phải vào cuộc. Nếu thông tin sai lệch thì Chính phủ phải phán xét.

- Liên tiếp gần đây có những kết luận của Thanh tra Chính phủ về các Tập đoàn Dầu khí, rồi Vinalines, theo ông, Bộ trưởng Đinh La Thăng có nên nhận trách nhiệm giải trình trước Quốc hội?

Tất nhiên, Bộ trưởng Thăng đã từng tham gia rất nhiều cương vị khác nhau và phát hiện những vấn đề này nọ, nhưng phải để kết luận đó trở thành kết luận cuối cùng đã, chúng ta mới có thể quy kết. Tôi nghĩ, để các cơ quan trả lời đã, như thế mới khách quan.

-Theo ông, qua vụ việc này rút ra bài học gì về quản lý?

Đó là điều hành quản lý và những chính sách của Chính phủ đang bộc lộ những hạn chế, sai sót, biểu hiện qua những vụ việc cụ thể. Tôi cho rằng giải quyết đối với một con người không quan trọng, quan trọng là giải quyết về cơ chế. Điều đó tôi quan tâm nhiều hơn.

Nguồn: Sưu tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét