Nhận được bài viết tâm huyết của bạn đọc, Ban biên tập đăng lên đây để mọi người cùng chia sẻ.
***
Tân Linh là phóng viên của báo Văn Hóa. Năm 2011 sau Đại hội Đảng lần thứ XI và Bầu cử quốc hội, lúc Thủ tưởng chuẩn bị tái nhiệm, tôi có viết một bài về anh Ba Dũng. Nay tôi gửi qua bài viết như một tình cảm đối với Người lãnh đạo Chính phủ của mình.
Năm 2011, năm bắt đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ. Đất nước đặt niềm tin hy vọng vào những nhà lãnh đạo mới đặng chèo lái con thuyền Việt Nam tiếp tục vượt sóng, hòa nhập biển lớn. Và thật vui nhìn lại sau lưng thời gian năm năm vừa trải, thấy sự ngoan cường cùng nghị lực phi thường và sức mạnh vươn lên của cả một dân tộc khi thế giới còn chưa qua cơn khủng hoảng kinh tế quốc tế. Trong hành trình ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay từ khi nhậm chức lần đầu cho đến nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Thủ tướng, đã như người ở nơi đầu sóng với dằng dặc những trăn trở âu lo, những chuyến công du, những hội nghị, những chuyến “vi hành” về với dân đang bị bão lụt, khó khăn… Ông là nhân vật mà có thể qua đó, người ta thấy hình ảnh một đất nước, một dân tộc có bản lĩnh đang trên hành trình đi tới…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn kinh tế thế giới 2010 |
Anh Ba Dũng
Cái tên gọi thân thiết ấy có từ ngày vị Thủ tướng còn hàn vi. Anh Ba Dũng sinh ra ở nơi cuối cùng của đất Việt có tên Cà Mau. Tố chất người Nam bộ và thử thách cuộc đời chiến đấu từ thủa thiếu niên đã trui rèn bản lĩnh để sau này khi là người đứng đầu Chính phủ anh dám đương đầu với mọi khó khăn từ lúc “vạn sự khởi đầu nan”…
Ít ai biết được rằng từ năm 12 tuổi, Ba Dũng đã ghi danh trong đội ngũ quân Giải phóng miền Nam, chuyên làm liên lạc, văn thư, y tá rồi lần lượt tham gia chiến đấu, giữ các chức vụ chỉ huy….
Quãng đời tham gia chiến tranh vệ quốc ấy đã nuôi lớn chí anh hùng của người con trai đất Mũi. Nhưng những tấm huân chương của người sáu lần nhận danh hiệu Dũng sĩ ấy không làm lãng quên bổn phận người lính của mình. Khi đã trở thành Thủ tướng, dẫu “quyền cao chức trọng”, nhưng với đồng đội, bạn bè, anh Ba Dũng vẫn giữ tình cảm như xưa. Đức thủy chung nhân hậu đã là một phần cuộc đời người lính ấy. Nhà báo Phan Văn Toàn, phó Tổng Biên tập báo Nghệ An khi nhắc đến người Thủ trưởng cũ, vẫn giữ ấn tượng về một người đồng đội, một người chỉ huy thân tình. Phan Văn Toàn viết: “Sau ngần ấy thời gian, tình cảm của anh Chính trị viên Ba Dũng nay đã là Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí đồng đội vẫn vẹn nguyên như những ngày chúng tôi cùng chung chiến hào bảo vệ Tổ quốc…” Xa nhau ba mươi năm có lẽ, vẫn nhớ đến từng đồng đội năm nào và anh Ba Dũng khi đã ở chức Thủ tướng vẫn muốn tìm lại những “cố nhân” mỗi khi có dịp.
Người ta vẫn thường nhắc đến chuyện khi đã về Hà Nội làm việc rồi, mỗi lần về miền Tây, ông không quên đến thăm gia đình Phan Trung Kiên người đồng đội từng dùng cái cối giã gạo làm xuồng đưa mình đi cấp cứu giữa rừng U Minh năm nào. Trong tâm tưởng, vị Thủ tướng luôn coi Phan Trung Kiên là ân nhân, người đã cứu sống mình trong chiến tranh…
Chuyện anh Ba Dũng nhiều lần trở về căn nhà đơn sơ của một người bạn chiến đấu quê Hà Tĩnh thắp nhang và tạo mọi điều kiện để đưa hài cốt bạn chiến đấu của mình là Hoàng Văn Tợi về nghĩa trang quê nhà huyện Cẩm Xuyên…cũng khiến người dân nơi đây ấn tượng mãi về một con người sống có thủy chung, sau trước. Nhớ lại ngày cùng chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng Ba Dũng cùng Chính trị viên đại đội 2 là Hoàng Văn Tợi chỉ huy đơn vị truy kích địch. Khi quay lại có một tên bị thương nặng ngỡ đã chết bỗng bất thần bắn vào Hoàng Văn Tợi. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Tợi “Nhờ Thủ trưởng Ba Dũng sau này thắng lợi, đất nước yên hàn chuyển lời nhắn về gia đình ở Nghệ Tĩnh…”. Mai táng xong cho đồng đội, Ba Dũng mang theo về lời hứa với người đã khuất… Bây giờ, những người tháp tùng ông vẫn kể mỗi khi về Hà Tĩnh công tác, lần nào ông cũng đến thăm gia đình Hoàng Văn Tợi.
Người ở nơi đầu sóng
Năm năm cuối của thập kỷ đầu tiên TK XXI( 2006 – 2010) cũng là năm năm đầu tiên ông giữ vai trò Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói đó là chặng đường nhiều gian nan thử thách, nhưng là chặng vượt sóng gió đầy ấn tượng của Việt Nam khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái. Trên chặng đường hội nhập và phát triển với việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam như con thuyền bắt đầu ra biển lớn… Và hai năm 2008 – 2009 sóng gió từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã như thử thách lòng người, thử thách bản lĩnh dân tộc trước vận hội và thách thức mới. Và vị Thủ tướng 57 tuổi được ví như người “thuyền trưởng” trong Bộ chỉ huy con tàu đất nước bắt đầu chuyến dong buồm ra khơi…
Tôi còn nhớ như in năm 2008, khi kinh tế xã hội bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng suy thoái toàn cầu, đứng trước thách thức ấy, Thủ tướng đã đến với Mặt trận TQVN, họp với các nhà tư vấn của Mặt trận để chia sẻ những khó khăn thách thức trước tình hình kinh tế xã hội và lắng nghe các nhân sĩ – trí thức, thành viên Ban tư vấn bày tỏ tâm tư, nói thẳng hiện tình và hiến kế cùng Chính phủ đưa đất nước vượt qua khó khăn, “Kiềm chế lạm phát, đảm bảo phát triển ổn định, thực hiện an sinh xã hội”… Người đứng đầu chính phủ đã ngồi đó, lắng nghe hết mọi câu chuyện. Có câu chuyện buồn về lãng phí, tham nhũng, quan liêu, có những lời hiến kế chân tình… Báo chí coi cuộc gặp ấy như một Hội nghị Diên Hồng thời hội nhập. Lòng dân khi đã đồng thuận thì thác ghềnh nào cũng không đáng ngại. Chỉ một lần như vậy lòng dân cảm thấy yên ổn, dẫu cuộc sống có bất trắc khó khăn đến đâu. Khi kinh tế gắng gượng vượt khỏi khủng hoảng thì thiên tai liên tiếp giáng những đòn khủng khiếp, lại phải gồng lên, “lá lành đùm lá rách”, lo ổn định, an cư cho đồng bào hoạn nạn.
Và đến hôm nay, khi Việt Nam vượt qua chặng đường sóng gió 5 năm ấy, chúng ta có đủ niềm tin vào sức mạnh dân tộc, vào bản lĩnh những người lãnh đạo. Nhìn lại tình hình KT – XH năm 2010, mới thấy sự nỗ lực của cả một đất nước: GDP 2010 đạt 6,7 %, không chỉ cao hơn chỉ tiêu 6,5 % mà còn là kết quả cao hàng đầu khu vực (chỉ sau Trung Quốc và Singapore), tăng trưởng xuất khẩu cao gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1168 USD, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đưa ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp và chuyển sang nhóm trung bình. Trong khi các cường quốc kinh tế nhiều nước chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái, thì Việt Nam lại nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, hồi phục và tạo đà bứt phá. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo chí quốc tế đánh giá là một trong những nhân vật nổi bật khi thuyết giải những bài học thành công của Việt Nam trong việc đối phó với khủng hoảng, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vấn đề an sinh xã hội. Bởi suy cho cùng, mục tiêu phấn đấu cuối cùng là vì con người. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với chất lượng cuộc sống con người. Đất nước sau ba mươi lăm năm ra khỏi chiến tranh, nhưng vẫn còn đầy rẫy những vấn đề xã hội. Đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa chưa hết khó khăn nghèo khổ. Làm sao để mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh đến được với tất cả người dân. Trăn trở nhiều về điều đó, nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng dân tộc, vùng khó khăn đang được triển khai có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá cao… Mức hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin của người dân được nâng lên rõ rệt, hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng…
Không phải ngẫu nhiên mà một tờ báo Hàn Quốc, tờ The Korea Herald ngày 20.7.2011 có bài ngợi ca sự phát triển kinh tế xã hội VN và không quên nhắc đến người đứng đầu Chính phủ. Theo bài báo trên, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới ưu tiên nguồn lực cho những chương trình dự án nhằm hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách giám bớt khó khăn do lạm phát…
Đâu chỉ chăm lo điều hành đất nước trong lúc phải cân đối giữa tăng trưởng và kìm chế lạm phát, bất ổn vĩ mô, chăm lo phát triển kinh tế cải thiện đời sống dân sinh, những năm tháng vừa qua quả thật đặt lên vai Thủ tướng quá nhiều vấn đề lớn lao đòi hỏi người đứng đầu chính phủ một bản lĩnh chính khách hơn bao giờ hết. Trong cái chớp mắt lịch sử năm năm ấy, anh Ba Dũng hồi nào, bây giờ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện và thể hiện bản lĩnh đầy đủ của mình bằng dằng dặc những chuyến đi ngoại giao mang tầm thời đại, hết Mỹ, Trung quốc lại Âu châu, Á châu, Nam Mỹ, Phi châu…Khi vừa hay tin Thủ tướng đang thăm Châu Âu, mấy hôm sau đã thấy ông quần xắn, áo phao, lội nước đi thị sát vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh…
Bản lĩnh ấy thể hiện từ những cuộc hội đàm, những cuộc đối thoại chiến lược, những ứng xử quốc tế…Chả ai có thể dạy hết cho những điều ấy mà phải từ bản lĩnh, từ tấm lòng, từ trái tim và trách nhiệm với Tổ quốc, dân tộc… Chỉ 5 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để lại dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình với thành công của Hội nghị APEC (tháng 11/2006). Tháng 5/2007, tạp chí World Business bình chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là thành viên luân phiên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008/2009). 2010 được đánh giá là năm “đỉnh cao đối ngoại” của Việt Nam, cũng là một năm tất bật của người đứng đầu Chính phủ khi ông hiện diện trong hàng loạt sự kiện mang tầm Quốc tế như: Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi G20, Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, Diễn đàn Kinh tế thế giới…
Bằng hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng với lãnh đạo cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…) đã mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới cho Việt Nam. Năm 2010 được đánh giá là năm “đỉnh cao đối ngoại” của Việt Nam, cũng là một năm bận rộn của vị Thủ tướng khi ông hiện diện trong hàng loạt sự kiện mang tầm Quốc tế như: Hội nghị Cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi G20, Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, Diễn đàn Kinh tế thế giới… Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động trong các tiến trình hợp tác khu vực. Thủ tướng Việt Nam đã thể hiện dấu ấn đậm nét khi điều hành thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á cuối tháng 10. Những vấn đề nóng của khu vực, thế giới đã được bàn thảo, đặc biệt là những tranh chấp ở Biển Đông. Với sự “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã chia sẻ hợp tác về quốc phòng an ninh, tranh thủ được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều quốc gia về các vấn đề gai góc tại khu vực.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Campuchia nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là phát triển, tăng cường và củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài; củng cố mối quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Tiểu vùng tại Campuchia nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng trong Tiểu vùng, đặc biệt với Lào và Campuchia.
Vừa kết thúc chuyến thăm các nước châu Âu, ngày 12/10/2011 ông lại có mặt vùng lũ đồng bằng Sông Cửu Long, xắn quần đi thị sát tận nơi để sẻ chia khó khăn với người dân và bàn cách đói phó với thiên tai…
Vừa kết thúc chuyến thăm các nước châu Âu, ngày 12/10/2011 ông lại có mặt vùng lũ đồng bằng Sông Cửu Long, xắn quần đi thị sát tận nơi để sẻ chia khó khăn với người dân và bàn cách đói phó với thiên tai…
Người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là người có gương mặt tươi vui, lạc quan thể hiện sự cởi mở, chân thành. Ở đây, người ta nhìn thấy một sự an nhiên nào đó, thể hiện bản lĩnh của người đứng nơi đầu sóng. Người tiếp xúc Đức Giáo hoàng đầu tiên với cương vị Thủ tướng nước Việt Nam, cũng là người tìm thăm em bé nghèo vượt khó học giỏi đất phương nam mấy hôm trước, cũng là người tiếp nhà bác học trẻ Ngô Bảo Châu…Người bắt tay hàng mấy trăm nguyên thủ quốc gia thể hiện mong muốn Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, lại “vi hành” đến nơi khó khăn bão lũ, nắm bàn tay những người đồng bào nghèo khó của mình…Người đó là Nguyễn Tấn Dũng… Nhớ lần dân làng Bát Tràng một buổi tối cuối năm 2005 đến nhà riêng ông Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng lại được ông và phu nhân niềm nở đón tiếp, rồi hỏi han tình hình làm ăn sinh sống thân tình. Câu chuyện ấy được lưu truyền mãi. Bức ảnh chụp ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi cùng người dân làng Bát tại nhà riêng từ ấy được treo trang trọng trong những ngôi nhà bình dân ở làng nghề…
Ông được đánh giá thành công với các chính sách xã hội, và đưa nền kinh tế Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, thích nghi với các nền kinh tế thế giới và có nhiều cải cách dân chủ đáng kể…Ông cũng là người đưa nền kinh tế Việt Nam dần thích ứng với cấu trúc nền kinh tế các nước trên thế giới tạo ra sự “bùng nổ” trong việc thành lập các công ty vừa và nhỏ, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kêu gọi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, bước đầu cải cách tốt cơ cấu hành chính, tạo ra nhiều chính sách an sinh xã hội…
Năm năm làm người đứng nơi đầu sóng, làm sao tránh khỏi những va đâp của cuộc đời, nhưng với sứ mệnh cao cả ấy, tin rằng Thủ tướng càng dày dặn thêm bài học và kinh nghiệm chính trường. Còn đó những khó khăn thử thách. Còn đó nỗi lo về bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, rồi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng đến bữa cơm từng gia đình…Rồi thì những bất ổn ở Biển Đông gần đây… tất cả đặt cho Thủ tướng những câu hỏi phải tìm cách trả lời… Và càng cần sẻ chia, bởi không phải chính sách lúc nào cũng chính xác như lập trình, cũng thỏa mãn được lợi ích tất cả.
Hơn một lần, Thủ tướng đã đứng ra nhận khuyết điểm trước phiên họp toàn thể Quốc hội về vụ Vinashin, đồng thời đưa ra các giải pháp vực dậy nền công nghiệp quan trọng này. Cũng hơn một lần ông nhận trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong quá trình điều hành đất nước. Nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, ngày 3/8/2011, Tại kỳ họp Quốc hội, thay mặt các thành viên Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ trách nhiệm của mình: “Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước… “.
Khi chúng tôi viết những dòng này, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ nhất đã hoàn tất việc bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và ở phiên họp toàn thể cuối buổi chiều ngày 25.7, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức giới thiệu với Quốc hội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái ứng cử vào chức vụ mà ông đương nhiệm để Quốc hội lựa chọn. Đúng một ngày sau, các vị đại biểu do dân bầu đã thể hiện sự tin tưởng của mình với ông bằng số phiếu tán thành rất cao: 94%.
Lại một lần nữa, anh Ba Dũng đứng ở nơi Đảng cần, dân tin: nơi đầu sóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét