Trang

25 thg 5, 2012

Thượng viện Mỹ sẽ sớm thông qua UNCLOS?

Ngày 23-5, Thượng viện Mỹ tiến hành xem xét việc thông qua Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982. Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang có những điều chỉnh lớn về chính sách đối ngoại và thế giới đang chứng kiến nhiều cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo đáng chú ý.

Tranh luận nội bộ về UNCLOS

Là một quốc gia luôn đề cao sức mạnh của luật pháp nhưng quá trình Mỹ xem xét phê chuẩn UNCLOS chưa bao giờ diễn ra như mong đợi. Vấn đề UNCLOS đã trở thành "di sản" đối ngoại của nước Mỹ từ thời Tổng thống thứ 40 Ronal Reagan. Trải qua gần 4 đời Tổng thống Mỹ với 6 nhiệm kỳ kể từ đó, UNCLOS luôn là đề tài tranh luận giữa phía Chính quyền và Quốc hội Mỹ. Trong khi, các Tổng thống thúc giục phê chuẩn để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực cũng như nhiều nơi khác, thì Quốc hội luôn chần chừ vì lợi ích từ khai thác dầu khí ở vùng thềm lục địa và duy trì ảnh hưởng của lực lượng hải quân Mỹ với "nguyên tắc" tự do lưu thông hàng hải.

Kể từ tháng 3/2004, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ít nhất 2 lần đồng thuận thông qua một nghị quyết ủng hộ việc phê chuẩn UNCLOS. Sau đó, một số tướng lĩnh quân đội, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ, nhiều chỉ huy chiến dịch hải quân, và Phòng Thương mại Mỹ cũng đã ủng hộ văn bản này.

Gần đây vấn đề này càng trở nên nóng hơn khi chỉ còn ít tháng nữa sẽ đến bầu cử Tổng thống Mỹ và các cuộc tranh chấp biển đảo, trong đó có tranh chấp biển Đông, đang có những diễn biến mới phức tạp hơn, ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực.

Công ước Luật biển hiện nay là kết quả hội nghị UNCLOS lần thứ III của Liên hợp quốc diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982, trong đó có những quy định về các vùng biển như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Công ước này có hiệu lực từ năm 1994, sau khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn. Mặc dù, Mỹ đã ký vào bản Công ước có 162 thành viên này nhưng điều này không phát sinh hiệu lực đối với Mỹ do chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey tại phiên điều trần (từ phải qua).
Phê chuẩn: Được nhiều hơn?

Thông qua UNCLOS sẽ đảm bảo những lợi ích hàng hải cho chính nước Mỹ. Sở hữu vùng EEZ lớn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới với các nguồn tài nguyên biển phong phú trong đó có các vùng biển giàu khoáng sản gần bờ, Mỹ có thể thúc đẩy kinh tế, tăng sản xuất năng lượng và tạo ra nhiều việc làm mới trong nước, từ đó góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, việc phê chuẩn Công ước luật biển 1982 sẽ hỗ trợ nhiều ngành kinh tế chính của Mỹ như các ngành dầu mỏ, năng lượng, đóng tàu, vận tải biển,... Các ngành kinh tế này sẽ được lợi vì Công ước Luật biển 1982 cung cấp khung pháp lý hợp pháp hình thành một môi trường an ninh ổn định cho các hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ quan điểm này, Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ nhận xét rằng việc phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp Mỹ đạt được những mục tiêu chiến lược ở các khu vực như châu Á. Tại khu vực biển Đông, yêu sách "đường lười bò" của Trung Quốc không hề có tính pháp lý nếu tham chiếu các điều khoản của UNCLOS 1982. Nếu Mỹ phê chuẩn công ước này, Mỹ sẽ trở thành một bên thành viên của công ước như 5 nước tranh chấp chính ở quần đảo Trường Sa Trung Quốc, Việt Nam, Philipines, Malaysia và Brunei (ngoài ra có có yếu tố Đài Loan). Từ đó, Mỹ sẽ có thêm một công cụ hòa bình để kiềm chế những hành động gây hấn và bảo vệ lợi ích của đồng minh Philipines ở khu vực biển Đông.

Lợi ích từ việc phê chuẩn này còn thể hiện ở chỗ Mỹ sẽ giành lại sự tín nhiệm của các nước và có tiếng nói hơn trong các vấn đề liên quan tới biển khi kêu gọi các quốc gia khác phải tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế. Minh họa cho điều này chính là cuộc khủng hoảng hiện nay tại eo biển Hormuz. Với việc tự do lưu thông hàng hải được quy định trong UNCLOS, Mỹ sẽ có lập trường pháp lý vững vàng trong việc tự do qua lại dù Iran tuyên bố có thể đóng cửa eo biển này. Như vậy, chính sách cô lập Iran buộc nước này từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân có thêm cơ sở để thành công.

Ngoại trưởng Hillary Clinton từng tuyên bố xem việc thông qua UNCLOS là ưu tiên hàng đầu về đối ngoại trong nhiệm kỳ của bà. Ngoài ra, UNCLOS cũng được Tổng thống Obama, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và nhiều chỉ huy hải quân Mỹ ủng hộ. Do vậy, nhiều người đã lạc quan cho rằng Thượng viện Mỹ sẽ sớm tích cực xem xét bỏ phiếu thông qua Công ước quan trọng này.

Nguồn: Sưu Tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét