Trang

31 thg 5, 2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Vàng sẽ như thế nào sau nghị định 24 ?

Nghị định 24 về quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25.5.2012. Đây là văn bản quản lý thị trường vàng mới nhất và chặt chẽ nhất ở nước ta từ trước tới giờ. Vậy, có thể kỳ vọng gì ở Nghị định này khi đi vào thực tế?

Có thể thấy, Nghị định 24 đã có rất nhiều quy định quyết liệt từ trước đến nay chưa được áp dụng ở thị trường Việt Nam. Thứ nhất là quy định về một thương hiệu vàng miếng quốc gia do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất. Thế nhưng cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thương hiệu quốc gia này, mà thị trường mới chỉ đứng trước thực tế: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là doanh nghiệp duy nhất trong tổng số 8 doanh nghiệp đã từng được cấp phép đủ tiêu chuẩn sản xuất vàng miếng theo quy định cuối năm 2011. 

Vàng miếng
Đương nhiên, thương hiệu vàng miếng vẫn là thương hiệu riêng của công ty tồn tại từ nhiều năm nay: SJC. Cùng với đó, quy định về doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng cũng sẽ chặt chẽ hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt doanh nghiệp hoặc cửa hàng vàng nhỏ phải thay đổi phương thức kinh doanh.

Thứ hai là quy định không sử dụng vàng miếng trong thanh toán. Mặc dù hiện nay vàng chủ yếu được sử dụng trong thanh toán các giao dịch liên quan đến bất động sản có giá trị lớn, nhưng với tập quán thanh toán bằng vàng tồn tại từ nhiều năm nay, việc từ bỏ thói quen này sẽ là điều không dễ. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh tập quán này. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồì Chí Minh - phân tích: thắng lợi lớn nhất là đã tìm ra giải pháp và luật hóa được việc cấm thanh toán bằng vàng. Trong thực tiễn của mình thì vàng đang dùng ở chức năng thanh toán, đặc biệt là khi đồng tiền Việt Nam sức mạnh chưa cao, cộng với thói quen chưa thay đổi được ngay trong thanh toán. Nếu cứ để chức năng thanh toán thì vàng hóa sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam không khá lên được. Ở nhiều nước khác thậm chí phải mất 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm để đạt được mục tiêu này. Đối với nước ta cũng vậy, cũng phải mất một thời gian dài. Nhưng khó cũng phải làm, như đã làm với USD.  Nhưng muốn làm được điều đó thì điều quan trọng là cần có giải pháp ổn định giá trị đồng tiền, chống lạm phát  để người dân yên tâm trong thanh toán

Trong khi đó, với nhà đầu tư, có lựa chọn vàng làm kênh đầu tư nữa hay không sẽ là một quyết định cần cân nhắc. Còn theo đánh giá của các chuyên gia, thực tế thị trường vàng trong nước thời gian qua cho thấy đã đến lúc cần một phương thức quản lý chặt chẽ hơn, và đó là điều mà người ta đang kỳ vọng ở Nghị định 24. Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh phân tích: thị trường vàng nước ta cần phải trở thành một người chơi trên thị trường vàng thế giới với sự tham gia điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Một kỳ vọng khác của giới chuyên gia và nhà đầu tư là sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, giá vàng trong nước sẽ không chênh lệch nhiều so với giá thế giới. Thế nhưng, cho tới thời điểm này, tất cả những kỳ vọng đó của các nhà đầu tư cũng như giới kinh doanh vàng vẫn chưa được giải đáp cụ thể. Ngay cả việc người dân sẽ mua vàng ở đâu cũng chưa hề được cụ thể hóa.

Nguồn: DBND.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét