Trang

29 thg 5, 2012

Công tử tập đoàn

Nhiều vị Chủ tịch HĐQT các tập đoàn tự cho mình cái ghế sánh ngang Bộ trưởng khiến nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than thở trước Quốc hội rằng: Có tập đoàn đóng cửa không tiếp đoàn kiểm tra của Bộ, phớt lờ các yêu cầu! Quyền hạn của Chủ tịch HĐQT thậm chí còn vượt cả… Quốc hội…
Khi công tử, thiếu gia làm chủ tập đoàn (Hình minh hoạ)
Kinh tế thị trường định hướng XHCN tất yếu phải ưu tiên xây dựng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hùng mạnh, đủ sức làm rường cột, làm chỗ dựa cho hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp khác. Nhưng sự ưu ái phải gắn với quản lý, giám sát. Ngược lại, khi địa vị lớn quá tầm, tập đoàn luận rằng thế mình hơn người, tìm cách vượt sự quản lý, thì hệ lụy công tử “đốt tiền nấu cháo” là điều được báo trước. Tiếp sau Vinashin, vụ án tại Vinalines một lần nữa làm nóng dư luận về hiện trạng quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là quản lý vốn, tài sản.

Vinashin, Vinalines, vấn đề không còn giới hạn trong phạm vi một vụ án với những bị can, bị cáo đã chỉ mặt, rõ tên, vừa bị khởi tố hay đã lĩnh án. Cùng một tội danh “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hậu quả gây thất thoát, thua lỗ quá lớn (qua số liệu về vốn, tài sản và kết quả hoạt động kinh doanh của Vinalines giai đoạn 2007-2010 cho thấy, kết quả kinh doanh tổng hợp năm 2007-2008 có lãi, nhưng đến 2009 bị lỗ 412,325 tỷ đồng, năm 2010 tiếp tục lỗ nặng hơn tới 1.273,892 tỷ đồng và hiện còn nợ hơn 36 nghìn tỷ đồng).

Vụ án nào cũng sẽ khép lại với các quyết định của toà. Một bản án dù nghiêm khắc đến đâu cũng chỉ dành cho cá nhân từng bị cáo. Còn hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ, thất thoát, “vớt” lại bằng cách nào?

Là kinh tế mũi nhọn, Nhà nước dành nhiều ưu ái cho kinh tế tập đoàn, tổng công ty với kỳ vọng làm đầu tàu. Chẳng hạn về vốn, Vinalines được bổ sung vốn từ ngân sách, ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán cho hợp đồng đóng tàu mới, được cho vay lại nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, bảo lãnh vay vốn nước ngoài, cho phép phát hành trái phiếu, được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dùng tiền từ chuyển đổi quỹ đất của các doanh nghiệp… Những ưu ái đó về lý thuyết là đúng và cần thiết cho một nền kinh tế cần những mũi nhọn. Nhưng sự giàu có về tiền và địa vị quá tầm, áo mặc quá khổ dễ tạo sự thao túng, lũng đoạn kinh tế.

Theo Nghị định 101 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, Hội đồng quản trị các tập đoàn có từ 5 đến 9 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hoặc thay thế, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành. Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với mức vốn điều lệ của mỗi công ty đến 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty mẹ…

Với địa vị như vậy, nhiều vị Chủ tịch HĐQT tự cho mình cái ghế sánh ngang Bộ trưởng khiến nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than thở trước Quốc hội rằng: Có tập đoàn đóng cửa không tiếp đoàn kiểm tra của Bộ, phớt lờ các yêu cầu! Quyền hạn của Chủ tịch HĐQT thậm chí còn vượt cả… Quốc hội, bởi nếu tổng giá trị tài sản tập đoàn, tổng công ty là 100 nghìn tỷ thì Chủ tịch HĐQT được quyết đến 50%, tức 50 nghìn tỷ, trong khi 35 nghìn tỷ đã thuộc thẩm quyền Quốc hội. Bởi thế, việc mua sắm các con tàu nâng tổng số vốn lên cả trăm nghìn tỷ đồng, nhưng Quốc hội không được quyết dẫn tới tàu cũ, tàu thải của nước ngoài có dịp “nghỉ ngơi” ở cảng biển của ta.

Cách đây hơn một tháng, khi cho ý kiến về việc bổ sung vốn cho các công trình cấp bách và vốn cho vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, UBTV Quốc hội đã rất băn khoăn khi nguồn vốn bổ sung xây dựng 73 nghìn căn nhà tình nghĩa chỉ có 300 tỷ đồng. Bộ Tài chính trình bày ngân sách eo hẹp, muốn tăng lên nhưng thêm đằng này thì phải bớt chỗ kia, mà suy tính chưa biết bớt chỗ nào. Cân đối lại, UBTV Quốc hội quyết định tăng thêm 700 tỷ để có 1.000 tỷ xây 73 nghìn nhà tình nghĩa (dự toán là 2.900 tỷ).

Ngẫm số liệu đó càng thấy giá trị đồng tiền Nhà nước khó khăn và quý giá biết bao.

Nguồn: CAND.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét