Trang

6 thg 3, 2012

Thương hiệu 141 của công an Hà Nội

Kiểm tra hành chính bất ngờ, truy đuổi quyết liệt, sau nửa năm hoạt động, lực lượng đặc nhiệm Hà Nội đã xử lý 12.000 trường hợp vi phạm giao thông, bắt giữ nhiều tội phạm có vũ khí... Tuy nhiên, cũng có góp ý về ứng xử của cảnh sát khi làm nhiệm vụ.

Đêm cuối tháng 2, không khí lạnh tràn về kèm theo mưa nhỏ khiến Hà Nội về đêm càng lạnh buốt. Ở góc phố Hàng Khay - Lý Thái Tổ, tổ công tác gồm cảnh sát cơ động, giao thông, hình sự đang làm nhiệm vụ. Những thùng nước, bánh mì xếp gọn ở góc phố, nhằm tiếp “năng lượng” cho tổ công tác.

Phát hiện ôtô biển Hà Nội bên trong có 4 người (3 nam, một nữ) có dấu hiệu nghi vấn, hai cảnh sát cơ động ra hiệu lệnh dừng xe. Cốp bật mở, bên trong lộ ra chiếc đao dài hơn một mét, tuýp sắt, 3 viên đạn ghém giấu trong túi nylon và một hộp đạn chì.

Hàng trăm hung khí, công cụ hỗ trợ bị cảnh sát thu giữ

Lái xe Nguyễn Hùng Sơn (34 tuổi, Tuyên Quang) gãi đầu giải thích đao dùng vào việc phát rừng ở Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), còn số đạn ghém và đạn chì “mang đi bắn chim”. Sơn rút chiếc thẻ ghi cán bộ thanh tra taxi của một công ty cổ phần để chứng minh, nhưng qua xác minh nhanh, anh ta từng có 6 năm 9 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Thanh niên đi cùng Trần Mạnh Cường (22 tuổi, ở Tuyên Quang) có tiền án về tội cướp giật tài sản. Ngay sau đó, cả nhóm được đưa về trụ sở Phòng cảnh sát hình sự thành phố để làm rõ.

Đây chỉ là một trong hàng trăm buổi công tác của lực lượng đặc nhiệm công an Hà Nội. Tháng 8/2011, trước tình trạng vi phạm giao thông đường bộ và chống người thi hành công vụ xảy ra thường xuyên, Hà Nội triển khai 5 tổ công tác đặc biệt (ký hiệu Y1 đến Y5) gồm cảnh sát giao thông, cơ động và cảnh sát hình sự mặc thường phục.

Hơn 50 cán bộ được đào tạo bài bản để xử lý, giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, khóa số 8, bộ đàm... Các tổ công tác thường triển khai lực lượng ở khu vực khép kín để hỗ trợ nhau.

Sau nửa năm hoạt động, gần 12.000 trường hợp vi phạm đã bị xử lý, với hơn 50 trường hợp bị cơ quan điều tra khởi tố; hàng trăm dao kiếm, súng, bình xịt hơi cay... bị thu giữ. So với 6 tháng liền kề trước đó, tội phạm hình sự ở thủ đô giảm 1,5% (trọng án giảm 9%; chống người thi hành công vụ giảm 2,1%, cướp giật giảm gần 30%...).

Bắt nguồn từ vi phạm giao thông, nhiều tội phạm đã bị bắt giữ, điển hình là vụ bắt tên giết người Trịnh Văn Tiến. Tối 8/11/2011, tổ công tác chốt tại khu vực Cầu Giấy phát hiện hai thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Thấy cảnh sát, hai người này quay đầu rú ga bỏ chạy. Lập tức trung sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Bá Tam cùng một cảnh sát hình sự lên xe truy đuổi.

Sau đoạn đường ngắn, anh Tam và đồng đội đã đuổi kịp chiếc Honda PS biển số Hà Nội. Bằng thế võ điêu luyện, các anh đã khống chế hai thanh niên này. Bên trong cốp xe, cảnh sát phát hiện một khẩu colt xoay, 13 viên đạn chì cùng dụng cụ “đập đá”.

Thanh niên ngồi sau xe được xác định là Trịnh Văn Tiến (27 tuổi, quê Hải Phòng), từng gây ra vụ nổ súng tại quận Đống Đa, khiến một người trọng thương. Anh ta bị công an quận Đống Đa truy nã về tội giết người. Trong thời gian trốn tránh pháp luật, Tiến lên nhà bạn ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chơi.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, tổ trưởng Y2 chia sẻ, từ ngày tham gia tổ công tác đặc biệt, ông và các đồng đội thường xuyên đối mặt với tình trạng chống người thi hành công vụ. Khi truy đuổi những người chống đối, cảnh sát luôn phải “giả định” trước các tình huống họ mang theo súng, dao, kiếm.

Chiều 22/2, hai tổ công tác Y1 và Y2 đang làm nhiệm vụ ở quận Đống Đa thì phát hiện chiếc Mazda biển số Hải Phòng có dấu hiệu nghi vấn. Trung tá Ngọc hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính, bất ngờ xế hộp tăng tốc, len lỏi qua các phố Thái Hà - Tây Sơn - Trường Chinh. Người đi đường dạt vào lề khi thấy hai người đàn ông mặc thường phục đi xe máy áp sát, khống chế những thanh niên trong xế hộp.

Ba thanh niên trên ôtô cùng quê ở Hải Phòng, có nhiều tiền án, tiền sự. Trong xe Mazda có nhiều dụng cụ “đập đá” và chiếc bao tải chứa 3 tuýp sắt, một kiếm Nhật, một dao quắm, một dao phớ, một dao nhọn, ma túy...

Đêm trắng của lực lượng đặc nhiệm.

Mới đây nhất, chiều 5/3 tại nút giao thông Kim Đồng - Giải Phóng, phát hiện ôtô chở 6 thanh niên khả nghi, trung úy Nguyễn Văn Lâm, cảnh sát cơ động đã hiệu lệnh dừng xe. Không chấp hành, tài xế rồ ga, đánh lái sang trái đẩy trung úy Lâm sang một bên. Một người dân thấy vậy đã dùng xe bò chặn xế hộp này. Tuy nhiên, tài xế lại lách xe sang trái để tẩu thoát.

Tổ công tác huy động toàn lực lượng chặn bắt, cảnh sát phải rút súng khống chế lái xe và những người ngồi bên trong để tránh nguy hiểm cho người dân. Cả 6 người này bị đưa về trụ sở Phòng cảnh sát hình sự thành phố. Tài xế Lê Văn Toàn (39 tuổi) khai, mượn chiếc xe trên của một người bạn. Toàn không thừa nhận gói heroin nặng hơn 5,2 gram được bọc trong tờ tiền 1.000 đồng là của mình.

Từng chứng kiến nhiều vụ cảnh sát truy đuổi nhóm thanh niên có hung khí của trên phố Láng Thượng, bác Hoài Nam (62 tuổi, ở phố Chùa Láng) cho rằng, lực lượng 141 đã góp phần hạn chế tình trạng vi phạm giao thông và nguy cơ tội phạm về đêm. "Việc kiểm tra hành chính những thanh niên bặm trợn, có dấu hiệu nghi vấn là cần thiết, có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các vụ tàng trữ vũ khí, đánh chém nhau giữa đường", bác Nam nói.

Trên một số diễn đàn mạng, nhiều thành viên cũng cho rằng, nhờ lực lượng 141 mà một số "con ông cháu cha giảm bớt độ hống hách". Có người viết "có các anh, Hà Nội đỡ loạn thật". Nhiều clip về hoạt động của lực lượng 141 đã thu hút hàng trăm nghìn người đọc.

Trong đợt tổng kết 6 tháng công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao kết quả của lực lượng 141: "Tết Nhâm Thìn, trên địa bàn Hà Nội không xảy ra đua xe trái phép, không có pháo nổ, người dân được đón một cái Tết yên vui nhất từ trước đến nay...".

Thứ trưởng yêu cầu 7 tỉnh, thành phố gồm: TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cần nghiên cứu thành lập mô hình giống công an Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, cũng có người phàn nàn việc ứng xử của lực lượng 141 khi dừng xe kiểm tra hành chính còn chưa nhã nhặn, thậm chí quát mắng người vi phạm giao thông. Sau khi xem một số clip của lực lượng 141 trên mạng, một số ý kiến thắc mặc việc lực lượng đặc nhiệm (thường phục) "quên" mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, ông đã đề nghị lực lượng 141 chấp hành nghiêm điều lệnh, tác phong khi tiếp xúc với dân và người vi phạm, tránh để xảy ra vấn đề bức xúc. Các lực lượng không được lợi dụng công vụ để có biểu hiện tiêu cực.

Việt Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét