Ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT nhận xét là "nghiêm túc", trên mạng đã xuất hiện clip dài hơn 6 phút quay cảnh chép tài liệu, ném bài trong phòng thi. Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang xác nhận, hình ảnh trong clip là tại điểm thi THPT Dân lập Đồi Ngô, giờ thi môn hóa chiều 2.6. Tính đến nay, đã có 3 clip liên quan đến gian lận thi cử tại ngôi trường này. Còn theo lời người trong cuộc, còn ít nhất 3 clip nữa sẽ được công bố trong những ngày tới.
GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT |
- Thói dối trá được đưa vào đề thi môn văn năm nay đã tạo được cảm hứng cho rất nhiều học sinh. Nhưng ngay sau đó, sự dối trá lập tức xuất hiện khi học sinh thi môn toán. Đón nhận những thông tin gian lận ở trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang), ông suy nghĩ gì?
- Tôi thấy thi cử hiện nay quá căng thẳng. Chúng ta phải làm kiểu khác, phải đánh giá năng lực thực chất và theo dõi trong quá trình chứ không chỉ qua thi cử. Nếu thi mà phải làm “giả” như vậy, giả không chỉ là ném phao mà còn học ôn, học tủ... thì kiến thức đương nhiên không có thực. Tất cả những cái đó rất tai hại cho nền giáo dục. Do vậy, cách thi cử này phải thay đổi, không thể duy trì hình thức thi cử này mãi, tạo sự căng thẳng cho cả xã hội.
Còn việc ném phao thi ở Bắc Giang là hiện tượng rất không hay. Xử lý cái này là vụ việc riêng nhưng cũng nằm trong cái chung như tôi vừa nói. Hơn nữa, chuyện ném phao thi ở Bắc Giang không phải bây giờ mới có mà xảy ra ở nhiều nơi rồi.
- Như ông vừa nói, việc quay cóp xảy ra từ lâu mà không dẹp bỏ được, phải chăng do áp lực của bệnh thành tích nên các trường, các sở không quyết tâm làm?
Cái này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là áp lực làm méo mó kỳ thi, đôi khi làm mọi thứ đều không tin cậy được. Thêm nữa, có khi tỉnh này có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn tỉnh kia thì sở GD-ĐT đó bị khiển trách. Do đó, tỉnh nào cũng muốn nâng thành tích của trường, của tỉnh mình lên. Khi thi với đề chung với cuộc thi tầm quốc gia thì buộc các địa phương phải “nới” ra để thành tích khá lên. Cái đó trở thành không lành mạnh.
- Thời gian qua, xuất hiện nhiều câu chuyện đau lòng liên quan tới môi trường sư phạm: thầy giáo hiếp dâm học trò; học trò hành hung cô giáo ngay tại sân trường hoặc trên bục giảng; chạy trường, bán điểm... Đâu là nguyên nhân khiến những câu chuyện như thế vẫn tồn tại trong xã hội? Và trách nhiệm thuộc về ai?
- Phải nói thế này, trách nhiệm của ngành giáo dục là rất lớn. Bắt đầu từ chuyện học thêm, đó thực sự không phải học sinh tự giác vì ở trường thầy cô không dạy đủ, không hết nội dung, có học thêm may ra mới nắm được bài hoặc được điểm cao… Đó là sự dối trá. Những cái dối trá đó đáng lý không thể chấp nhận trong ngành giáo dục, làm uy tín của các thầy cô giáo bị hạ thấp, quan hệ thầy - trò khác đi, không còn là quan hệ thầy - trò mà còn có quan hệ lợi ích. Thậm chí là trẻ con học mẫu giáo còn thúc giục bố mẹ tặng quà cho cô… thì thực sự các em đã nhiễm thói quen gian dối. Cho nên, phải vạch mặt sự dối trá.
Nhưng trách nhiệm từ những hiện tượng suy đồi đạo đức mà chúng ta sốt ruột như trò đánh thầy, thầy hiếp trò… không chỉ là trách nhiệm của giáo dục, mà có cả trách nhiệm của xã hội. Vì chúng ta giáo dục đạo đức cho các em, đó là bài giảng, lời khuyên về đạo đức, nhà trường cũng tập cho các em thực hành đạo đức. Nhưng mặt khác cũng phải để các em noi gương. Như vậy, cả ở nhà, ngoài xã hội nữa. Yếu tố noi gương thực sự đập vào mắt các em, nếu người lớn không trung thực, gương mẫu thì các em sẽ thấy vô lý khi phải thực hành đạo đức. Do vậy, có cả trách nhiệm của xã hội chứ không riêng nhà trường.
Thật ra, những chuyện suy đồi đạo đức, kể cả vụ việc như sát thủ Lê Văn Luyện, một số học trò đến hoan hô, coi đó như tấm gương, cái đó cực kỳ nguy hiểm. Dù có người nói đó là cá biệt, nhưng cái cá biệt đó làm chúng ta phải suy nghĩ ghê gớm. Đó là những điều rất đáng lo ngại.
- Theo ông, đâu là mối tương quan giữa chuyện gian dối trong thi cử đến hiện tượng suy đồi đạo đức trong lứa tuổi học trò, xa hơn nữa là đạo đức xã hội?
Đương nhiên là có mối tương quan vì nhà trường đâu tách khỏi xã hội. Cái đó là sự đảo lộn các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần. Điều đó đang là mối nguy chung của xã hội, ảnh hưởng đến nhà trường, đến học trò.
Thật ra không thể phân tích ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm bao nhiêu phần trăm. Giáo dục có tác động lớn đến các em, nhưng còn có cả trách nhiệm xã hội, từ phim ảnh, sự gương mẫu của người lớn.
Nhìn nhận lại, riêng chuyện lương của giáo viên khiến họ không đủ sống, họ phải làm thêm cái này cái khác, họ khai thác cái không chính đáng từ chính nghề nghiệp của mình, dẫn đến học thêm, dạy thêm… cũng là một trong những nguyên nhân khiến học trò ngày nay dễ bị tiêm nhiễm tư tưởng dối trá.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo: baodatviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét